Cổ phiếu bất động sản: "Chạy" theo kế hoạch kinh doanh 2018
Nhiều doanh nghiệp bất động sản trình ĐHĐCĐ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ đó, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng tăng trưởng theo.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đặt mục tiêu cao trong ‘mùa’ Đại hội đồng cổ đông
Triển vọng tăng trưởng của nhóm Bất động sản trong năm 2018 được đánh giá rất tích cực. Khối Phân tích của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định các doanh nghiệp bất động sản trong năm nay có thể tận dụng môi trường lãi suất thấp, tích cực ‘sản xuất’ và bán hàng ra thị trường.
Đồng quan điểm với VDSC, bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng của ngành bất động sản trong năm 2018.
Với triển vọng như thế, không khó để nhận thấy nhiều doanh nghiệp bất động sản trình ĐHĐCĐ mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp này cũng tăng trưởng theo.
Mùa ĐHĐCĐ thường niên 2018 năm nay ghi nhận nhiều doanh nghiệp bất động sản đua nhau thông báo kế hoạch kinh doanh lãi ‘khủng’. Công ty CP Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) dự kiến doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng. Mức doanh thu và LNTT kế hoạch này lần lượt vượt chỉ tiêu thực hiện trong năm 2017 lần lượt là 51% và 45,2%.
Được biết, lợi nhuận của PDR sẽ đến từ dự án Bàu Cả, dự án Millennium quận 4, phần còn lại là The EverRich Infinity. Chủ tịch PDR khẳng định chắc chắn đạt được mục tiêu lợi nhuận và kỳ vọng hơn con số này.
Cùng với đó, tờ trình trình ĐHĐCĐ cũng ủy quyền HĐQT thực hiện quyết định chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ Dự án TheEverRich 2 và Dự án TheEverRich 3 với giá trị chuyển nhượng phù hợp với điều kiện thị trường và hiện trạng thực tế của Dự án, đảm bảo giá trị chuyển nhượng/giá bán.
Trong khi đó, Công ty CP Tập đoàn CEO (mã CEO) trong ĐHĐCĐ thường niên vừa qua đã tự tin đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 2.200 tỷ đồng, tăng 17% so với mức thực hiện được trong năm 2017. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế (LNST) dự kiến 370 tỷ đồng, tăng 15% so với chỉ tiêu đề ra.
Với Công ty CP Dịch vụ Xây dựng và Địa ốc Đất Xanh (mã DXG), ĐHĐCĐ thường niên đã thông qua kế hoạch bán 28.131 sản phẩm; doanh thu ước tính 5.000 tỷ đồng, LNST 1.068 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 42% so với mức thực hiện được trong năm 2017.
Kế hoạch năm 2018 của doanh nghiệp đựa dược trên phân khúc trung bình và trung bình khá. Tại Đại hội, Ban lãnh đạo DXG cũng tự tin đã hoàn thành chỉ tiêu đề ra nhờ thực hiện bàn giao các dự án như Opal Riverside, Opal Garden, Luxcity – Officetel và Lux Garden.
Nói về mục tiêu kinh doanh tăng trưởng tốt, không thể không nhắc đến Công ty CP Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã HAR). Trong ĐHĐCĐ thường niên được tổ chức vừa qua, HAR đã đặt mục tiêu doanh thu đạt 150 tỷ đồng, LNST 60 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng so với mức doanh thu và LNST đạt được trong năm 2017 chỉ là 98 tỷ đồng và hơn 27,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, một ‘tân binh’ mới lên sàn là Công ty CP Đầu tư Văn Phú (mã VPI) đặt ra mục tiêu Tổng doanh thu hợp nhất gần 2.334 tỷ đồng, tăng 166% so với thực hiện năm 2017. LNST hợp nhất 603,59 tỷ đồng, tăng gần 44,1%.
Cổ phiếu tăng trưởng tỷ lệ thuận với kế hoạch đề ra
Với những triển vọng khả quan của mảng bất động sản và doanh nghiệp trong ngành mục tiêu kinh doanh cao, cổ phiếu của họ cũng có sự biến chuyển tích cực.
Đóng cửa phiên giao dịch 2/4, cổ phiếu DXG đạt 37.400 đồng/cổ phiếu, tăng 2,75% so với mức giá tham chiếu. Dù thời gian gần đây DXG gặp áp lực chốt lời mạnh (giảm 4 phiên liên tục tính từ phiên 27/3), nhưng mã này vẫn có mức tăng trưởng tốt gần 69% so với hồi đầu năm 2018.
Không chỉ DXG, VPI và CEO cũng có mức tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, VPI trong phiên giao dịch 2/4 đạt 40.600 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 2,78% so với giá tham chiếu. Tính trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng mức tăng của VPI đạt hơn 12,1%.
Trong khi đó, với mức giá 14.000 đồng/cổ phiếu đạt được trong phiên 2/4, CEO có tổng mức tăng gần 36%.
Ngoài ra, cũng có thể thấy PDR (-1,23% - 40.300 đồng/cổ phiếu) đã tăng đến 11,3% kể từ thời điểm đầu năm. Tuy vậy, ban lãnh đạo PDR kỳ vọng mã này còn có thể đạt mức giá 50.000 đồng/cổ phiếu.
Duy chỉ có cổ phiếu HAR (0% - 8.800 đồng/cổ phiếu) lại đi ‘ngược dòng’ trong thời gian gần đây khi liên tục chịu đà ‘bán tháo’.
Nhiều ý kiến cho rằng, đây có thể là sự thất vọng của nhà đầu tư trước kế hoạch ‘hồi sinh’ thương hiệu một thời Xà bông Cô Ba của ban lãnh đạo HAR. Trước đó trong năm 2016, HAR từng đầu tư vào hai doanh nghiệp là Công ty CP Phát triển nhà GHomes và Công ty CP Glenwood Horeca với tổng giá trị là 90 tỷ đồng. Tuy vậy, hai công ty này đều làm ăn kém hiệu quả và khiến HAR phải trích lập dự phòng hơn 1,5 tỷ đồng.