Cổ phiếu đang đắt hay rẻ?
(Tài chính) Chứng khoán đã có những cú tăng giảm khá ấn tượng. Thị trường khởi đầu ở mức thấp, nhưng cho đến thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu đã tăng trưởng lên mức cao khiến nhiều người ái ngại là đà tăng sẽ chững lại. Hơn nữa, kết quả kinh doanh tốt cũng đã phản ánh hết vào giá, nên chất xúc tác này sẽ yếu đi. Một yếu tố tâm linh khác, đây là tháng ngâu, nên giao dịch đều phải tính toán kỹ càng nên nhiều nhà đầu tư sẽ thận trọng. Vậy số phận cổ phiếu trên thị trường sẽ ra sao?
Tăng mạnh bất ngờ
Cổ phiếu MPC của Công ty cổ phần Thủy sản Minh Phú là một điển hình khi giao dịch lình xình suốt thời gian dài, bỗng trở thành tâm điểm, hiện tượng tăng trưởng trên thị trường. Thông tin bất ngờ nhất là việc trả cổ tức khủng chiến 50% mệnh giá, khiến cổ phiếu MPC có bước phi nước đại.
Cổ phiếu này chiếm ngôi vị dẫn đầu khi tăng trần trong 5 phiên liên tiếp từ mốc 43.900 đồng/cổ phiếu lên 60.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng trưởng 37,81%. Thanh khoản của MPC cũng tăng khá tích cực. Tính trung bình, khối lượng giao dịch trong tuần qua của MPC đạt 16.648 đơn vị/phiên, tăng khá mạnh so với mức 7.274 đơn vị/phiên của tuần trước đó.
Cuối tháng 7 vừa qua, công ty đã thông qua quyết định chia cổ tức 6 tháng đầu năm 2014 bằng tiền mặt với tỷ lệ 50%, tức Công ty sẽ phải chi một khoản tiền khá lớn khoảng 345 tỷ đồng. Đây là một quyết định khiến các cổ đông từng nắm giữ cổ phiếu của MPC thất vọng khi công ty lên kế hoạch hủy niêm yết tự nguyện và đề xuất không chia cổ tức năm 2013.
Cổ phiếu VAT của Công ty cổ phần Viễn thông Vạn Xuân với 4 phiên tăng, trong đó có 3 phiên tăng trần đã trở thành cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua. Giá cổ phiếu VAT tăng từ 4.900 đồng/cổ phần lên 6.400 đồng/cổ phần với khối lượng giao dịch bình quân đạt 4.100 đơn vị/phiên, tương ứng giá trị 24,6 triệu đồng/phiên.
Các cổ phiếu giữ được phong độ ổn định nữa là PVB của PV Coating. Cổ phiếu này đã tăng hơn 70% trong 1 tháng và kết quả kinh doanh công ty vừa công bố đã cho thấy một lý do để cổ phiếu tăng mạnh: vượt 24,4% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau 6 tháng.
6 tháng đầu năm 2014, doanh thu của PVB đạt 527,4 tỷ - tăng 41,5% và lãi sau thuế hơn 109 tỷ đồng, lãi ròng hơn 89 tỷ đồng. Còn cổ phiếu Điện Lữ Gia (LGC) cũng đã tăng giá chóng mặt khi lũy kế 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu thuần đạt 105,5 tỷ đồng tăng 74%. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 7 tỷ đồng, khả quan hơn mức lỗ ròng 5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2013.
Hiện có rất nhiều doanh nghiệp tăng trưởng tốt mà vẫn chưa công bố thông tin kết quả kinh doanh quý II. Một số doanh nghiệp đã công bố cho thấy kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, nên đà tăng vẫn có thể được duy trì.
Mức giảm không cao…
Trong khoảng cách các cổ phiếu tăng giá khá lớn thì thị trường cũng chứng kiến những cổ phiếu làm ăn khó khăn, thua lỗ, nhưng mức giảm không quá mạnh. Theo đó, cổ phiếu có mức biến động giảm mạnh nhất cũng chưa đạt đến 15%. Hầu hết các cổ phiếu này đều có tính đầu cơ có thị giá thấp.
Cổ phiếu VNG của Công ty cổ phần Du lịch Golf Việt Nam giảm mạnh nhất tuần qua. Chỉ với 2 phiên giảm điểm, trong đó có một phiên giảm sàn khiến VNG bị kéo từ mức 9.100 đồng xuống 7.800 đồng/cổ phiếu.
Đáng nói hơn, thanh khoản của VNG khá lèo tèo, thậm chí không có giao dịch, khối lượng khớp lệnh của VNG chỉ đạt vài trăm đơn vị. Tổng giá trị giao dịch tính chung cả tuần của VNG chưa đạt 10 triệu đồng, nên nhiều khả năng, nhà đầu tư chẳng muốn nắm giữ, thoát hàng bằng mọi giá.
Trong quý II/2014 của VNG, doanh thu công ty đạt 13,4 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ và lũy kế 6 tháng đạt 27,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với 28 tỷ đồng của cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 1,75 tỷ đồng và lũy kế 6 tháng lỗ 1,8 tỷ đồng.
Cổ phiếu giảm mạnh nữa là THS của Công ty cổ phần Thanh Hoa - Sông Đà. Với 3 phiên giảm sàn và 2 phiên không có giao dịch, giá của THS giảm từ 8.400 đồng/cổ phiếu xuống 6.300 đồng/cổ phiếu và khối lượng giao dịch bình quân đạt 2.300 đơn vị/phiên.
Nguyên nhân khiến THS giảm mạnh trong tuần qua chính là thông tin báo cáo tài chính quý II/2014 không mấy sáng sủa. Doanh thu thuần quý II đạt 50,3 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ nhưng vẫn không đủ bù đắp các khoản chi phí phát sinh trong kỳ khiến công ty lỗ hơn 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhờ lãi từ các hoạt động khác giúp lợi nhuận sau thuế đạt 431 triệu đồng, giảm 48% cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 773 triệu đồng, giảm 53% cùng kỳ và mới chỉ thực hiện được 28% kế hoạch năm.
Cổ phiếu SD1- Sông Đà 1 báo cáo lãi 16,36 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2014 nhờ có khoản lợi nhuận khác 20,12 tỷ đồng quý II/2014. Khoản lãi bất ngờ tất nhiên là cải thiện được các chỉ số tài chính không mấy đẹp sau 2 năm thua lỗ của SD1 nhưng liệu nó có là động lực của tăng trưởng dài hạn không thì còn là vấn đề cần quan tâm.
Doanh thu thuần 6 tháng đầu năm chỉ chưa đầy 24 tỷ đồng, giảm hơn 13 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ có duy nhất cổ phiếu TH1 đã sụt giảm mạnh 44% dù kết quả lợi nhuận không bị thua lỗ mà lãi hẹp 1,82 tỷ đồng quý II, giảm mạnh so với cùng kỳ.
Như vậy, thị trường luôn có những yếu tố hai mặt của nó, có lúc tốt, có khi xấu và cổ phiếu có lúc tăng, lúc giảm bởi lý do chính đáng hoặc không rõ ràng. Vì vậy, việc định giá cổ phiếu đắt hay rẻ tùy thuộc vào khẩu vị của nhà đầu tư.