Cổ phiếu ngân hàng đã tăng quá cao?

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Cổ phiếu ngân hàng từng được mệnh danh là cổ phiếu "vua" mới quay trở lại dẫn dắt thị trường thời gian ngắn, rồi lại quay đầu giảm sâu khiến thị trường bị tác động mạnh. Qua các dữ liệu phân tích cho thấy cổ phiếu ngân hàng sau nhiều năm tích lũy đã tạo được con sóng nhất định, nhưng nhà đầu tư băn khoăn về định giá cổ phiếu ngành ngân hàng.

Nhà đầu tư băn khoăn về định giá cổ phiếu ngành ngân hàng. Nguồn: internet
Nhà đầu tư băn khoăn về định giá cổ phiếu ngành ngân hàng. Nguồn: internet

Theo phân tích của công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các chỉ số định giá ngành ngân hàng vẫn đang ở mức thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các thông tin tích cực như nới room, cải tổ thành công hệ thống ngân hàng, tín dụng tăng trưởng tốt, lợi nhuận cải tiến đã tạo ra cơn sóng tăng giá cho cổ phiếu. Tuy nhiên, với điều kiện vĩ mô hiện tại, có lẽ con sóng đã chấm dứt khó có thể kỳ vọng một sự tăng trưởng bền vững.

Tăng tạo thành sóng!

Các mã chứng khoán ngân hàng đã có bước tăng trưởng ngoạn mục theo chiều hướng đi lên. Có rất nhiều cổ phiếu tăng trưởng ở mức tăng vượt trội mà ít ai nghĩ tới trước đó. Cổ phiếu BID tăng mạnh nhất tới 121%, từ mức giá khoảng 11.700 đồng lên 25.900 đồng, CTG tăng khoảng 54% từ mức 13.500 đồng lên 20.700 đồng, VCB tăng 44% từ mức 31.200 đồng lên 45.200 đồng và MBB tăng 20% từ mức 12.600 đồng lên mức 15.200 đồng.

Cổ phiếu ACB dù ghi nhận mức tăng trưởng tốt 28% từ mức giá 15.100 đồng lên mức 19.300 đồng, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong nhóm cổ phiếu này. VCB trở thành gã khổng lồ dẫn dắt thị trường, trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn niêm yết, có thời điểm lên tới hơn 6 tỷ USD. Việc VCB đã tăng gần gấp đôi chỉ trong thời gian ngắn quả ngoài sức tưởng tượng của nhiều người.

Theo các phân tích chuyên sâu, cổ phiếu ngành ngân hàng Việt Nam không rẻ dựa trên các chỉ tiêu định giá (P/E và P/B). Duy nhất chỉ tiêu Vốn hóa/Tiền gửi của cổ phiếu ngân hàng ở thị trường Việt Nam thấp hơn tương đối so với các nước trong khu vực. Điều này không có ý nghĩa nhiều về mặt định giá do đặc điểm ưa chuộng kênh tiền gửi tiết kiệm tại Việt Nam.

Chỉ tiêu ROE đáng chú ý có BID là 16,3% và MBB là 15,2% có mức tỷ suất sinh lợi tương đương các ngân hàng trong khu vực. Trong khi chỉ tiêu tăng trưởng thu nhập thấp hơn nhiều so với các thị trường khác trừ ACB (6,3%) và BID (9,1%) ở mức chấp nhận được.

Chỉ tiêu định giá P/B của hầu hết các ngân hàng đa số đang ở mức cao hơn hoặc tương đương so với bình quân quá khứ. So với quá khứ, các chỉ tiêu: PE, PB, ROA, ROE của đa số các ngân hàng đều ở mức cao, đặc biệt các ngân hàng ở trong nhóm tăng giá (trừ CTG).

Trong khi các nhóm cổ phiếu dầu khí bị xả mạnh thì thời gian gần đây, cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò trụ cột, từ nâng đỡ điểm số cho đến tạo ra sức mạnh lan tỏa sang các cổ phiếu khác. Chứng khoán VDSC đã đưa ra những phân tích, so sánh giá và khẳng định nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện tại không phải đang ở mức giá hấp dẫn.

Sóng sớm tan?

Thực tế, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã phải chịu rất nhiều "đau đớn" từ thanh trừng, phẫu thuật nợ xấu, cải tổ, đến "quốc hữu hóa" do mất hết vốn mà vẫn giữ tốc độ tăng mạnh là quá thành công. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thực trạng trên khi tiềm ẩn rủi ro vẫn còn rất lớn và phải vật lộn trên thị trường.

Đơn cử như cổ phiếu EIB của Eximbank thời gian qua gặp không ít sóng gió bởi vô khối tin đồn; hoặc cổ phiếu STB của ngân hàng Sacombank bị các công ty chứng khoán đánh giá kém lạc quan hơn sau quyết định sáp nhập ngân hàng Phương Nam (Southerbank) vào. Theo đó, các nhận định tiêu cực cho rằng Sacombank sẽ phải chịu gánh nặng về nợ xấu của Southerbank. Vì vậy cổ phiếu STB từng được thị trường ưa chuộng giờ đây đã nguội lạnh và bị rớt giá bởi thông tin kém tích cực.

Các chuyên gia cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng có thể sẽ không tăng trưởng nhanh nhưng vẫn tiếp tục giữ ổn định và là nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số chung của thị trường. Hiện, nhiều phân tích cho thấy sau một thời gian tăng giá quá mạnh dường như giá của các cổ phiếu ngân hàng không còn nhiều nội lực.

Với VCB thì P/B (giá cổ phiếu trên giá trị sổ sách) khoảng gần 3 lần, hiện là mức cao đối với ngành ngân hàng. BIDV thì đối mặt với tỷ lệ pha loãng đáng kể khi có nhu cầu tăng vốn cao. Còn Vietinbank cũng khó còn dư địa và nhà đầu tư cần lưu ý bởi mức trích lập dự phòng hiện thấp và còn nhiều tài sản có vấn đề từ trước đây để lại.

Việc NHNN mua lại các ngân hàng yếu kém và cử các ngân hàng tốt tham gia tái cơ cấu là tín hiệu tốt cho thị trường. Từ đó, hệ thống ngân hàng sẽ minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo và nhà đầu tư cũng được hưởng lợi.

Quyết định tái cơ cấu ngân hàng đang đi đến tận cùng của sự khốc liệt nhằm loại bỏ những yếu kém khỏi cuộc chơi là rất rõ ràng. Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất đối với các cổ phiếu ngân hàng là nợ xấu vẫn còn cao, trích lập dự phòng lớn sẽ ăn mòn lợi nhuận của các cổ phiếu này.

Giới đầu tư còn e ngại việc báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng vẫn rất tốt, nhưng bên trong thì chẳng còn gì, giống như nhiều ngân hàng bị mua lại với giá 0 đồng, dẫn đến rủi ro rất khó lường.