Dự báo dòng tiền dịch chuyển
“Nói đến kênh đầu tư, mấy năm gần đây, ai ai cũng hỏi về chứng khoán, nhưng chỉ trong 1 tháng trở lại đây, xu hướng quan tâm đã chuyển đổi. Có khoảng 50% nhà đầu tư hỏi về ngoại tệ, vàng”.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư, CTCP Chứng khoán Maybank Kim Eng chia sẻ tại buổi hội thảo “Dịch chuyển của dòng tiền thông minh giữa các kênh đầu tư” do Vietstock tổ chức.
Gần đây, giao dịch trên thị trường tài chính quốc tế chủ yếu là vàng và ngoại tệ, trong đó, bình quân giao dịch khoảng 5.000 tỷ USD/ngày. Với quy mô thị trường quá lớn như vậy, sự hiện diện của “bên thứ ba” làm lũng đoạn thị trường là không tưởng, do đó thị trường này được đánh giá là có tính công bằng cao.
Có khá nhiều sản phẩm, dịch vụ và các công cụ phòng ngừa rủi ro đi kèm, nhưng nhược điểm của thị trường vàng, ngoại tệ chính là kiến thức, lượng thông tin quá rộng nên nhà đầu tư rất khó nắm bắt.
Tốc độ giao dịch rất nhanh, mạnh nên không phù hợp với NĐT yếu tâm lý. Cũng chính vì quy mô lớn, tốc độ giao dịch nhanh, nên chỉ cần phạm một sai lầm, nhà đầu tư sẽ phải trá giá đắt. Vì không thể nắm bắt được thị trường, nên Quỹ đầu tư hoán đổi vàng lớn nhất thế giới hiện nay là SPDR Gold Trust duy trì phương pháp đầu tư chính là đảo ngược danh mục. Thực tế, quỹ này duy trì được hiệu quả kinh doanh kể cả giai đoạn thị trường lên hay thị trường xuống.
Quan sát sự dịch chuyển giữa các dòng tiền giai đoạn 2001-2010, cho thấy, TTCK Mỹ, châu Âu, châu Á và Việt Nam có mức độ biến động khác nhau, nhưng đều có chung xu hướng tăng, sau đó cùng giảm.
Thị trường hàng hoá gồm vàng, dầu thô, hay thị trường ngoại hối, cũng chung xu hướng này, chỉ duy trường hợp đồng yên Nhật có xu hướng tăng. Điểm chung chính là giai đoạn giảm điểm đều bắt nguồn từ khủng hoảng kinh tế từ Mỹ. Khi nền kinh tế số 1 thế giới này biến động, các kênh đầu tư sẽ đều biến động, không riêng gì vàng, USD hay chứng khoán.
Nhận định về dòng tiền trên thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, ông Khánh cho rằng, đây là giai đoạn giao thời giữa các dòng tiền.
Khoảng 3 tháng trước, dòng tiền nằm chủ yếu ở chứng khoán, tiếp đến là bất động sản. Vàng khi đó là yếu sức hút nhất. Đối với ngoại tệ, tuỳ vào từng ngoại tệ, nhưng tập trung đầu tư chủ yếu vào đồng USD. Tuy nhiên, sau sự kiện Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, dòng tiền rút ra khỏi chứng khoán Mỹ rất mạnh và vẫn chưa dừng lại.
Chỉ số Dow Jones dự báo sẽ giữ đỉnh 18.000 điểm trong vòng 1-2 năm tới, khó bật tăng trên mốc này. Chưa kể, khoảng 10 ngày nữa, nếu không có gì thay đổi, FED sẽ lần đầu tiên tăng lãi suất sau 6 năm, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dòng tiền vào TTCK.
Đối với Việt Nam, với chính sách neo tỷ giá hiện tại, khi USD tăng giá thì VND cũng tăng so với các đồng tiền khác. Đối với vàng, các chuyên gia dự báo trong vòng 1-2 năm tới, giá vàng chưa thể quay lại thời hoàng kim, do phụ thuộc vào diễn biến chung của giá vàng thế giới. Đầu tư vào vàng có biên độ mua bán rộng, nên nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro khách quan.
Bên cạnh đó, giá vàng còn chịu ảnh hưởng bởi tý giá, tâm lý, đầu cơ…, do vậy, các chuyên gia cho rằng, vàng không là kênh đầu tư tốt trong 1-2 năm tới. Đối với bất động sản, mảng này có triển vọng lợi nhuận tốt hơn, nhưng sẽ không “hot” như những năm trước. Lượng hàng tồn kho bất động sản còn nhiều, nên theo đánh giá, lượng hàng này ít nhất phải mất 5 năm mới tiêu thụ hết.
Ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng bộ phận Phân tích kỹ thuật Vietstock chia sẻ quan điểm, với kỳ hạn 1-2 năm tới, NĐT có tiền nhàn rỗi có thể xem xét đầu tư USD (theo xu hướng FED tăng lãi suất thì giá trị USD cũng tăng) và thứ đến là bất động sản, ưu tiên bất động sản mặt tiền. Đối với chứng khoán, ông Minh khuyến nghị, không phải là kênh đầu tư cho kỳ hạn dài, mà chỉ nên là kênh ngắn hạn.
Thị trường còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, xuất phát từ hiện trạng DN và nền kinh tế, trong khi nếu đầu tư dài hạn để hưởng cổ tức, thì khoản cổ tức khi được nhận lại bị trừ vào giá cổ phiếu. Một yếu tố không mấy hấp dẫn nhà đầu tư.
Dù chứng khoán không phải là lựa chọn tối ưu thời điểm này, nhưng ông Phan Dũng Khánh cho rằng, TTCK lúc nào cũng có cơ hội. Tuy nhiên, muốn đầu tư hiệu quả, trước hết, cần xác định được dòng tiền sẽ chảy theo hướng nào.
Từng chứng kiến nhiều thời kỳ, khi dòng tiền chảy vào nhóm penny, nhóm cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu dầu khí..., ông Khánh đánh giá, “khẩu vị” của dòng tiền trên TTCK hiện nay là cổ phiếu ngành chứng khoán và bất động sản.
Các DN thuộc hai khối ngành này có cơ hội bật lên, xuất phát từ sự thay đổi tư duy trong những chính sách pháp lý mới (Nghị định 60 về nới room, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…).
Theo ông Khánh, TTCK cuối năm có cơ hội trở lại mốc 640 điểm. Nếu chọn đúng cổ phiếu tốt, nhà đầu tư sẽ không phải hao tốn sức lực nắm thông tin và giao dịch thường xuyên như đầu tư vàng hay ngoại tệ, mà vẫn có thể đạt lợi nhuận cao hơn các kênh đầu tư khác song hành.