Cổ phiếu ngành bán lẻ: Lựa chọn an toàn của nhà đầu tư trong lúc "nước sôi lửa bỏng"
Tiếp đà tăng trưởng từ những kết quả kinh doanh tích cực những tháng đầu năm 2022, các “ông lớn” đầu ngành bán lẻ không ngừng đưa ra những chiến lược mở rộng quy mô, phát triển kinh doanh. Không chỉ vậy, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu bán lẻ cũng cho thấy sức mạnh khi được đánh giá là “nơi trú ẩn” của dòng tiền trong lúc thị trường chung không mấy tích cực.
Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.318 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 1,6%). Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu năm tăng 5,8%, trong đó nhiều doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực.
“Tiếp đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp đang tập trung mở rộng mạng lưới, kênh kinh doanh, phân phối giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận đa dạng mẫu mã sản phẩm, tăng tính trải nghiệm”, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định.
“Bành trướng” thế lực
Điển hình, trong 3 tháng đầu năm 2022, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã: FRT) tiếp tục đạt kết quả kinh doanh ấn tượng với doanh thu đạt 7.786 tỷ đồng, tăng trưởng 67% so với cùng kỳ, hoàn thành 29% kế hoạch doanh thu năm 2022. Trong đó, doanh thu chuỗi Long Châu đạt 2.159 tỷ đồng, tăng trưởng 3,7 lần.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 204 tỷ đồng, gấp 5,3 lần so với quý I/2021, hoàn thành 28% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Đáng chú ý, doanh thu online quý I/2022 đạt 1.475 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19% tổng doanh thu hợp nhất quý I. Trong đó, ngành hàng laptop ghi nhận doanh thu 1.407 tỷ đồng, tăng trưởng 74%.
Với những kết quả ấn tượng này, FPT Retail dự kiến tiếp tục mở mới hơn 70 trung tâm laptop nhằm duy trì vị trí nhà bán lẻ máy tính xách tay số 1 trên thị trường. Đồng thời, mở thêm khoảng 100 cửa hàng FPT Shop nhằm tăng vùng phủ đến các khu vực quận, huyện đông dân cư.
Về phía chuỗi nhà thuốc Long Châu, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh tiến độ mở rộng vùng phủ ra 63 tỉnh, thành nhằm nâng cao vị thế trên thị trường dược phẩm. Theo đó, dự kiến mở thêm ít nhất 300 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên khoảng từ 700 - 800 vào cuối năm 2022. Song song đó, FPT Long Châu sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics phục vụ cho việc tăng trưởng nhanh số lượng cửa hàng và tối ưu hàng hoá.
Được biết, năm 2022, FPT Retail đặt mục tiêu lớn với doanh thu 27.000 tỷ đồng, tăng 20% và lợi nhuận trước thuế là 720 tỷ đồng, tăng 30% so với kết quả năm 2021.
Tương tự, báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh quý I của CTCP Đầu tư thế giới di dộng (TGDĐ, mã: MWG) cho thấy, TGDĐ, Điện máy xanh (ĐMX) và Topzone ghi nhận hơn 30.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 21% so với cùng kỳ. Doanh thu online đạt hơn 5.700 tỷ đồng, tăng gần 150% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 19% tổng doanh số của các chuỗi.
Theo kế hoạch, chuỗi TGDĐ/ĐMX tiếp tục mở chuỗi ĐMX Supermini với mục tiêu đạt 1.000 cửa hàng vào cuối năm. Cuối quý II và đầu quý III, doanh nghiệp dự kiến cho ra mắt khoảng 20 trung tâm ĐMX nhắm đến phân khúc khách hàng cao cấp, diện tích trên 3.000 - 5.000m2. Trong khi đó, chuỗi TGDĐ có kế hoạch hướng tới cửa hàng diện tích lớn nhắm tới phân khúc cao cấp, tăng trải nghiệm hình ảnh.
Đối với Bách Hoá Xanh (BHX), doanh thu lũy kế của doanh nghiệp đạt 6.040 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và tăng 8% so với quý IV/2021. Trong đó, doanh thu BHX online tăng 12% so với cùng kỳ và chiếm 3% tổng doanh thu của BHX.
Được biết, từ đầu tháng 4, BHX đã triển khai diện rộng việc thay đổi layout cửa hàng. Đối với một số cửa hàng đã hoạt động ổn định 2 tháng với mô hình mới này, doanh thu đã tăng trưởng 15%-30% tùy nhóm hàng. BHX hướng tới tăng trưởng doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng tối thiểu 30% vào cuối năm từ mức hiện tại.
Với chuỗi nhà thuốc An Khang, doanh nghiệp ghi nhận doanh số trong 3 tháng đầu năm gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, An Khang cũng sẽ triển khai layout mới và nhân rộng mô hình, tăng tốc cả về doanh thu cũng như số lượng cửa hàng, hướng tới cột mốc 400 cửa hàng trước quý III/2022.
Bán lẻ cũng là kênh tăng trưởng doanh thu mạnh nhất của “đại gia ngành trang sức” CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Lũy kế 4 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ tăng 45,4% so với cùng kỳ; doanh thu online tăng trưởng 152%; doanh thu sỉ lũy kế 4 tháng tăng 11,9%. Đáng chú ý, trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu vẫn chưa hạ nhiệt và tỷ lệ lạm phát ở mức cao, doanh thu vàng miếng lũy kế 4 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng 63,6%.
Lãnh đạo của PNJ thông tin, công ty có dự định mở mới 35-40 cửa hàng trong năm nay. Song, nếu thuận lợi, công ty có thể mở đến 50 cửa hàng/năm.
Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ Savills TP.HCM, sức tiêu dùng nội địa Việt Nam đang ngày càng lớn, ổn định và đầy tiềm năng mang tới doanh thu lớn cho một vài ngành bán lẻ như chăm sóc sức khỏe, chăm sóc mẹ và bé, thời trang thể thao, ẩm thực… Điều này đã thúc đẩy các nhà bán lẻ mở rộng thêm chi nhánh, không gian trải nghiệm tại nhiều quận để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.
Cổ phiếu tiềm năng
Báo cáo mới đây của Savills châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Việt Nam là một trong hai quốc gia có thị trường bán lẻ tại các thành phố lớn phục hồi nhanh nhất với hoạt động kinh doanh ổn định.
Trong khi đó, thị trường thế giới bất ngờ có những biến động khó lường như xung đột ở Đông Âu, hay liên tiếp đóng cửa biên giới để kiểm soát dịch bệnh. Vì vậy, hưởng lợi từ câu chuyện phục hồi sau đại dịch, cổ phiếu bán lẻ là nhóm ngành được giới phân tích kỳ vọng lớn. Không chỉ vậy, đây cũng là nhóm ngành thu hút được giới đầu tư với tham vọng tăng trưởng mạnh, là lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư nhờ gắn với tiềm năng tiêu dùng của thị trường gần 100 triệu dân trong nước.
Thực tế, trong thời gian qua, VN-Index giảm mạnh xuống mức kỷ lục với hầu hết các nhóm ngành liên tục chìm trong sắc đỏ, cổ phiếu bán lẻ vẫn được đánh giá cao khi phần lớn các phiên vẫn giữ được sắc xanh, thậm chí còn nhăm nhe “vượt đỉnh” và trở thành yếu tố chính nâng đỡ các chỉ số.
Mặc dù vẫn có thời gian bị ảnh hưởng bởi đà “lao dốc” của thị trường, song cổ phiếu bán lẻ đều ghi nhận mức tăng trưởng tốt so với thời điểm đầu năm. Một số cổ phiếu bán lẻ còn chứng tỏ giá trị khi nằm trong top các mã có giá cao nhất, đồng thời hút được một lượng vốn lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, trong tháng 4 vừa qua, giá trị giao dịch thị trường giảm gần 17% so với tháng trước, thanh khoản rơi vào mức “báo động đỏ”. Tuy nhiên, cổ phiếu bán lẻ vẫn là một trong những điểm sáng hút tiền với giá trị giao dịch tích cực, trụ vững qua "giông bão" dù ảnh hưởng là không thể tránh khỏi, như: MWG, PNJ, FRT, DGW (CTCP Thế giới số). So với VN-Index từ đầu năm, những cổ phiếu này vẫn có mức tăng trưởng vượt trội và khả quan hơn phần lớn các cổ phiếu nhóm ngành khác.
Nhận định về tương lai ngành bán lẻ năm 2022, chuyên gia cho rằng sẽ tăng trưởng mạnh khi thói quen tiêu dùng và hình thức mua sắm hiện nay đã rất đa dạng, không còn lệ thuộc quá nhiều vào mô hình truyền thống mà có sự tham gia của thương mại điện tử kết hợp với thanh toán không dùng tiền mặt sẽ thúc đẩy doanh số ngày càng cao hơn.
“Việt Nam có thể trở thành một trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vào năm 2030, vượt qua Thái Lan, Anh, Đức, nhờ thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên đáng kể trong thập kỷ tới”, HSBC Global Research (HSBC) dự báo.
Tuy nhiên, KBSV cũng lưu ý, yếu tố lạm phát khiến các khoản chi thiết yếu của người tiêu dùng tăng lên có thể cản đà tăng trưởng của ngành bán lẻ, đặc biệt là hàng tiêu dùng không thiết yếu.