Cơ sở pháp lý mở để cải cách thủ tục hải quan
(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Theo phân tích của Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) các nội dung quy định tại Nghị định 08/2015/NĐ-CP có tính ổn định kế thừa từ các Nghị định triển khai thi hành Luật Hải quan năm 2001, Luật Hải quan sửa đổi, bổ sung năm 2005. Đồng thời để thống nhất và hạn chế vướng mắc khi thực hiện các nội dung quy định có liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành, cơ quan, tại Nghị định này, Chính phủ đã quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Đồng thời, để đảm bảo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện các cam kết quốc tế về việc thiết lập, xây dựng và triển khai cơ chế một cửa ASEAN tại các Hội Nghị thượng đỉnh các quốc gia ASEAN và Quyết định số 48/2011/QĐ-TTg ngày 31-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm thực hiện Cơ chế hải quan một cửa quốc gia, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đã quy định cụ thể việc thực cơ chế một cửa quốc gia và trách nhiệm của các Bộ, ngành trong thực hiện cơ chế hải quan một cửa quốc gia.
Cùng với đó, nhằm triển khai nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 42 Luật Hải quan năm 2014, tại Nghị định này, Chính phủ đã quy định chi tiết chế độ ưu tiên, điều kiện để được áp dụng chế độ ưu tiên, thủ tục công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ áp dụng chế độ ưu tiên và quản lý đối với doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên thì sẽ được áp dụng chế độ ưu tiên trong quá trình làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định tại Điều 43 Luật Hải quan; được cơ quan hải quan và các cơ quan kinh doanh cảng, kho bãi ưu tiên làm thủ tục giao nhận hàng hóa trước, ưu tiên kiểm tra giám sát trước; trường hợp hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, doanh nghiệp được đưa hàng hóa nhập khẩu về kho của doanh nghiệp để bảo quản trong khi chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, trừ trường hợp pháp luật kiểm tra chuyên ngành có quy định hàng hóa phải kiểm tra tại cửa khẩu. Trường hợp hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu thì được ưu tiên kiểm tra trước.
Tại Chương III Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Chính phủ quy định chi tiết về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK với các nội dung gồm: áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; phân loại hàng hóa; trị giá hải quan; xác định trước mã số, xuất xứ và trị giá tính thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa NK để gia công, sản xuất hàng hóa XK; thủ tục hải quan đối với hàng hóa trung chuyển, hàng hóa đưa vào, đưa ra khu phi thuế quan; thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK theo loại hình khác và thủ tục hải quan đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh.
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa XK, NK, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được quy định tại Nghị định này theo hướng đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ hải quan, minh bạch, công khai, thuận tiện, thống nhất, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, thực hiện hải quan điện tử và cơ chế hải quan một cửa quốc gia.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định chi tiết về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải là tàu bay, tàu biển, tàu hỏa liên vận quốc tế, ô tô và phương tiện vận tải khác xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tạo cơ sở pháp lý minh bạch thống nhất cho cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện.
Để triển khai thực hiện khoản 4 Điều 62 Luật Hải quan năm 2014, Nghị định này đã quy định chi tiết về thủ tục thành lập, hoạt động của kho ngoại quan, kho bảo thuế và địa điểm thu gom hàng lẻ.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đảm bảo công tác kiểm tra sau thông quan của cơ quan hải quan, tại Nghị định này, Chính phủ quy định cụ thể về hoạt động kiểm tra sau thông quan tại trụ sở cơ quan Hải quan; kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan; sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định kiểm tra sau thông quan và xử lý kết quả kiểm tra sau thông quan.
Để bảo đảm cơ sở pháp lý cho hoạt động điều tra kiểm soát của lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Nghị định này đã quy định chi tiết về các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan; tuần tra hải quan; tạm hoãn việc khởi hành và dừng phương tiện vận tải cũng như thẩm quyền truy đuổi phương tiện vận tải, hàng hóa buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan.
Ngoài ra, nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thông tin, sử dụng thông tin có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hải quan, tại Nghị định này, Chính phủ cũng đã quy định cụ thể về Thông tin Hải quan cũng như trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan quản lý nhà nước; trách nhiệm cung cấp thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về hải quan và hình thức cung cấp thông tin cho cơ quan hải quan.
Nghị định số 08/2015/NĐ-CP sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2015, sẽ thay thế các Nghị định: 154/2005/NĐ-CP, 87/2012/NĐ-CP, 66/2002/NĐ-CP, 06/2003/NĐ-CP, 40/2007/NĐ-CP; Và bãi bỏ Khoản 2 Điều 4, Điều 6, Điều 7, Khoản 5 Điều 25, Điều 50 Nghị định số 83/2013/NĐ-CP, Quyết định 19/2011/QĐ-TTg.
Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý mạnh mẽ cho công tác cải cách thủ tục hành chính nói chung và thủ tục hải quan nói riêng.