Cố trở thành "ai đó" - Căn bệnh "ăn sâu vào máu" của người hiện đại
Thời mới lớn lên, tôi muốn đi chơi thật xa, và quyển hồi đó tôi đọc là về chuyến đi Nam Mỹ của Che Guevara. Tôi muốn có được chuyến đi như vậy.
Một người bạn đọc vài bộ kiếm hiệp, và anh muốn có được người yêu lãng mạn như nàng tiểu nữ trong truyện.
Bạn có thể thấy, những cậu bé đi trong siêu thị mặc đồ Iron Man, Superman, Spiderman. Tất cả các em đều mơ trở thành siêu anh hùng với năng lực như trong phim.
Tất cả chúng ta đều muốn trở thành "ai đó".
Có hình mẫu tốt đẹp để lớn lên và mơ giấc mơ lớn hơn vòng tròn hẹp của đời sống thường ngày là điều tốt đẹp. Đôi khi ta hành động tốt và cố gắng giúp người gặp nạn, vì ta từng đọc thấy chàng Lục Vân Tiên chẳng quản gian nan đã cứu người. Có lúc, ta chạy vào đám cháy để đưa em bé gặp nạn ra, vì ta từng được cứu bởi người thật tốt như vậy. Ta có thể dũng cảm đối mặt với điều không tốt trong công ty, sở làm vì ta từng quen biết người quả cảm dám bảo vệ giá trị mà họ tin tưởng. Ta sẵn sàng bỏ cả ngày chủ nhật để dọn dẹp cái cống thải đầu xóm, vì ta thấy những bác lớn tuổi đang cặm cụi làm để ngõ hẻm không bị bệnh sốt xuất huyết vì muỗi đầu mùa.
Ta biết mình không đơn độc khi cố làm việc tốt và giá trị của sự tốt đẹp lớn thêm nhiều lần.
Nhưng ngoài khả năng gợi ý giúp ta hiểu và nối tiếp điều tốt đẹp trong đời, hình mẫu có những giới hạn của nó.
Phụ nữ muốn trở thành "ai đó" trong đời. Nơi họ có làn da trắng muốt. Ba vòng số đo chuẩn mực [như họ thấy trong quảng cáo và trên mạng xã hội]. Thân thể của họ được định vị khác đi theo từng thời kỳ của công nghệ thẩm mỹ, từng giai đoạn cái đẹp được định nghĩa khác đi. Trở thành "ai đó" – bất kỳ ai – với vẻ đẹp có thể thành công dưới ánh nhìn nhân loại, hoặc với sự bất cần cực đoan đánh bạt nữ tính để được công nhận.
Đàn ông muốn trở thành "ai đó". Những doanh nhân trẻ đẹp, fit, nói những lời đạo đức, giá trị, nâng tầm những giá trị trong đời, mặc bộ suit từ nhãn hàng nào đó. Không có được chuẩn đó, đàn ông chưa thành đạt. Xa hơn, trở thành "ai đó" là biểu tượng của người đàn ông được phụ nữ vây quanh, được tiêu xài thỏa thích, được có sức khỏe bất diệt, được chinh phục những giới hạn không ai dám nghĩ tới.
Người trẻ muốn trở thành "ai đó". Một ai đó sẵn sàng nghỉ việc chinh phục thế giới. Ai đó sẵn sàng trở thành hiệp sĩ cho một mục tiêu trọn đời. Ai đó bất chấp sự độc miệng ác ý của xã hội để được nhắc tên. Ai đó nồng nhiệt theo đuổi tôn giáo có thể giúp họ gặp "ánh sáng", "đấng thiêng liêng" trong đời.
Ta đều muốn trở thành "ai đó" – trừ chính bản thân mình.
Ta đứng trước gương mỗi ngày: Mình quá béo, mình quá gầy, mình quá lùn, mình quá cao, mình quá đen, mình quá trắng, mình chưa bằng A, mình dở hơn B, mình không có nhiều khách hàng bằng C, mình chưa đi Hy Lạp như D, mình không có con xe giống E, căn hộ của mình không sáng và dịch vụ tốt bằng F.
Quá nhiều hệ quy chiếu để ta không hài lòng về bản thân, muốn thoát xác khỏi nó, và trở thành "ai đó". Rực rỡ hơn. Nhiều nấc thang hơn. Số má hơn. Hoặc đơn giản là có làn da đẹp hơn.
Ai cũng được, miễn không phải chính mình.
Tôi đã ngừng mơ ước có một chuyến đi như Che Guevara. Tôi không thích lái xe máy. Tôi không thích chạy vòng vòng quanh Nam Mỹ xong trở thành anh hùng cách mạng. Tôi chỉ thích nhìn thấy núi cao, rừng thẳm và có buổi sáng yên bình pha trà cạnh băng sơn. Tôi hài lòng với mớ mâm xôi mình hái được trên con đường quốc lộ miền Nam Chile. Tôi thấy chú ong béo mập đang làm món mật ong ngon lành tinh nguyên của rừng núi. Tôi chậm chạp, yên tâm và không mất thời gian để tưởng rằng mình phải đi xuyên Nam Mỹ để hài lòng cho đã đời cuộc phiêu lưu.
Cuộc phiêu lưu "đã đời" của tôi đơn giản chỉ là 12 giờ đi bộ lên núi. Gió thổi gần 100km/h. Băng sơn đọng trên đá. Chẳng có gì ngoài đá và cánh rừng đỏ ối mùa thu. Ai có hỏi là thấy gì đặc biệt thì tôi cũng chẳng biết mô tả mình thấy gì. Tay chân tê liệt vì lạnh. Đầu gối đau nhức vì đi bộ lên độ cao dốc đứng. Toàn đá là đá. Tôi thỏa mãn vì nhìn thấy tòa tháp bằng đá Torres del Paine – cũng chẳng có gì to tát – vì mỗi ngày mấy chục người chạy lên chạy xuống nơi này. Có tay chuyên chơi chạy trail từng hoàn thành chuyến đi trong bốn giờ, còn tôi mất tới 12 giờ.
Tôi ngừng khó chịu về chiều cao, độ mập béo, làn da xấu xí của mình. Ghét bỏ bản thân thật hao phí sức lực, làm tổn thương cảm xúc, và đánh mất cả lòng tự trọng với chính thân thể mình. Ghét bỏ bản thân không khiến tôi cao hơn, thon thả hơn hay trắng trẻo hơn. Nó chỉ làm mỗi ngày đứng trước gương của tôi trở nên nặng nề, đầy tị hiềm và bực dọc. Ai sẽ hứng chịu hậu quả của những đay nghiến thường nhật đó, ngoài chính sức khỏe và cơ thể của tôi?
Tôi ngừng mơ ước mình được là "ai đó", có được điều gì đó cao hơn và xa hơn tất cả mọi người. Chẳng ngờ, hóa ra sau đó mọi thứ nhẹ tênh. Chẳng cần chạy theo mục tiêu gì. Chẳng phải gò mình vào biểu hiện vật chất nào mà thần tượng có (như đi xe máy – Nam Mỹ chẳng hạn). Chẳng cần lo nghĩ rằng mình chưa đạt được "mốc son" mà thần tượng bước tới. Cũng chẳng bận tâm thù ghét chiều cao hay làn da của mình.
Hài lòng với thực tại – vốn dĩ không nhiều nhặn và phong phú – nhưng tôi có mùa hè, có khí trời trong vắt, có cà phê ngon và mật ong vàng rượi. Sự trọn vẹn bé mọn và đơn giản. Mọi thứ rồi không thể lặp lại, không thể tái hiện cảm xúc đó bằng bất cứ phương tiện gì.
Tại sao tôi phải cố trở thành "ai đó"? – Tại sao tôi không thể hài lòng được là chính mình, trong một khoảnh khắc, một ngày, nhiều ngày hay nhiều tháng năm kế tiếp?
Nhiều lần ta tự bẫy mình vào cái khuôn của thần tượng. Thứ ta thấy trước mắt là con đường thần tượng đi. Cách thần tượng hành động. Trước nguy biến, thần tượng chọn lựa cách này, không phải cách kia. Ta muốn trải qua cuộc đời mẫu mực, đầy thăng trầm để thăng hoa thành công, được tôn trọng và bước lên đỉnh cao của giá trị nào đó – giống "ai đó" trong ý niệm hoàn hảo của mình.
Ta quên mất rằng số phận mỗi con người là biến số khác biệt tới mức chỉ một chọn lựa khác đi, toàn bộ cuộc đời rẽ sang hướng hoàn toàn xa lạ. Cố gò bản thân theo tinh thần hay giấc mơ "ai đó" chỉ là hành động tự giăng ra bức tường cản trở tiềm năng bản thân.
Cuộc đời còn gì vui – nếu ta phải nỗ lực đuổi theo một bóng hình chỉ vì trót cam kết với bản thân phải được là "ai đó"? – Ta đâu còn thấy chân trời nào của riêng mình nếu đi bằng lộ trình của người khác. Ta cảm thấy gì khác đi khi hành động với động cơ mà thần tượng vẽ ra? Ta biến mình thành con ngựa bị che hai bên bờ mắt, chỉ cắm đầu chạy theo lộ trình đã định. Ta đánh mất chính mình trong giấc mơ thành tựu đó.
Tôi đã ngừng gánh trên vai một thần tượng. Ngừng giấc mơ được là "ai đó" trong đời.
Thật là một món hành lý nặng nề biết mấy.