Những điều nên làm ở độ tuổi 20, 30 và 40 để về hưu giàu có
Nếu thiếu những quyết định tài chính thông minh ở các mốc quan trọng, lúc nghỉ hưu bạn khó lòng sống giàu có như mong muốn.
Về hưu với cuộc sống dư dả và nhàn hạ là điều nói dễ hơn làm, nhưng cũng không phải không có khả năng thực hiện. Sau đây là những điều nên ưu tiên thực hiện trong độ tuổi 20, 30 và 40 do CNBC gợi ý để đạt được điều đó.
Ở độ tuổi 20
Tận dụng lợi ích của lãi kép
Với lãi kép, bất kỳ khoản lãi nào được tích lũy cũng đều tự phát sinh thêm lợi nhuận. Trong quyển "Financial Freedom", triệu phú tự thân Grant Sabatier giải thích rằng bạn càng trẻ thì càng có nhiều thời gian làm dồi dào thêm tiền bạc của bản thân. "Nếu cứ tiếp tục tiết kiệm và đầu tư, giá trị tài sản ròng của bạn sẽ tiếp tục tăng lên và do lãi kép, tăng trưởng sẽ tăng nhanh hơn," ông nói.
Nên có tài khoản tiết kiệm ngay từ độ tuổi 20. Ảnh: Pixabay.
Tránh nợ thẻ tín dụng
Mark Cuban từng nói rằng ông ao ước hồi độ tuổi 20 ông hiểu được thẻ tín dụng là khoản đầu tư tài chính tồi tệ nhất. "Lẽ ra tôi nên trả hết nợ thẻ sau mỗi 30 ngày", ông nói.
Để tránh làm tăng thêm nợ thẻ tín dụng, hãy giữ chi phí sinh hoạt ở mức tối thiểu. Hãy cân nhắc việc sống trong căn hộ diện tích vừa đủ, di chuyển bằng phương tiện công cộng, tự nấu bữa trưa...Đồng thời, mở một tài khoản tiết kiệm để dành cho trường hợp khẩn cấp thay vì những lúc ấy phải cà thẻ.
Duy trì điểm tín dụng tốt
Xây dựng điểm tín dụng mạnh ở độ tuổi 20 có thể mang lại lợi ích cho khoảng thời gian còn lại của cuộc đời. Điểm số tốt mở ra cơ hội cho những lợi ích như hạn mức tín dụng cao hơn, lãi suất thấp hơn... Hãy chắc chắn bạn thường thanh toán hóa đơn hay trả nợ đúng hạn và giữ mức nợ ở mức thấp.
Ở độ tuổi 30
Thu nhập ở độ tuổi 30 phải cao hơn thu nhập của bạn lúc độ tuổi 20. Ảnh: Pixabay.
Tăng các nguồn thu nhập bổ sung
Đa dạng hóa là quy tắc cơ bản khi đề cập đến đầu tư thông minh, đặc biệt là ở độ tuổi 30. Thay vì dành cả cuối tuần để xem phim, hãy sử dụng thời gian đó phát triển các nguồn thu nhập bổ sung. Làm thêm công việc phụ như cho thuê xe, bán những thứ bạn không cần, nhận một vài hợp đồng freelance...
Nếu không có công việc hấp dẫn, bạn vẫn nên chủ động tăng thu nhập. Điều đó có nghĩa là bạn nên yêu cầu tăng lương, tìm công việc khác mà có thể thương lượng được mức lương cao hơn hoặc mở một tài khoản đầu tư. Nếu thu nhập của bạn trong độ tuổi 30 vẫn gần như thu nhập ở độ tuổi 20, đây sẽ là dấu hiệu tồi tệ.
Thảo luận tài chính với người yêu
Điều này không chỉ dành riêng cho những người ở độ tuổi 30. Nếu bạn đang có mối quan hệ nghiêm túc, bất kể ở độ tuổi nào, hãy dành thời gian để thảo luận về tiền bạc cùng với người yêu.
Cùng bàn bạc về các thói quen và mục tiêu tài chính trong tương lai. Nếu có quan điểm khác nhau về tiền bạc, giải quyết những bất đồng đó là điều cần thiết cho một mối quan hệ lâu dài và hạnh phúc. Và nếu bạn nghiêm túc về việc kết hôn, việc thỏa thuận để đi đến thấu hiểu nhau về tài chính trước khi cưới là rất quan trọng.
Ở độ tuổi 40
Con cái cần được dạy dỗ về tiền bạc để sớm tự chủ tài chính khi đủ tuổi trưởng thành. Ảnh: Pixabay.
Tiếp tục sống tiết kiệm
Đối với hầu hết chúng ta, càng lớn tuổi thì càng dễ thay đổi lối sống, nghĩa là chi tiêu tăng dần khi tiền lương tăng lên. Theo Sarah Stanley Fallaw, đồng tác giả quyển "The Next Millionaire Next door: Enduring Strategies for Building Wealth", hai trong số những phẩm chất rõ rệt nhất của các triệu phú là kiên định và kiên trì. Cả hai đều đóng vai trò lớn trong việc giúp họ tránh lối sống ngày càng phóng túng.
Nếu bạn đang muốn mua đồ có giá trị lớn, như nhà hoặc ôtô, hãy xem lại tình hình tài chính và đảm bảo bạn đã lập ngân sách hợp lý. Ngoài ra, cân nhắc đến ưu nhược điểm và nghĩ xem có thật sự cần sự nâng cấp không. Các nhà triệu phú hiếm khi chi hơn 30% thu nhập cho nhà ở, Fallaw đề cập trong quyển sách.
Dạy con cái về tiền bạc
Rất dễ hao tốn tài chính trong độ tuổi 40 và 50, đặc biệt là nếu bạn có con. Theo báo cáo về "Hành chính tài chính của các bậc phụ huynh hiện đại" năm 2018 của Merrill Lynch, 79% trong số 2.500 phụ huynh Mỹ được hỏi vẫn hỗ trợ tài chính cho những đứa con đã trưởng thành (từ 18 đến 34 tuổi).
72% cho biết họ đặt con cái lên trước nhu cầu tiết kiệm dành cho nghỉ hưu của bản thân và hối tiếc vì đã không dạy con cái về tiền bạc khi còn nhỏ.
Tất nhiên, bạn cần hỗ trợ con cái trong giai đoạn đầu, nhưng phải đảm bảo chúng được giáo dục về tài chính tốt để không làm hao hụt tiền tiết kiệm hưu trí của bạn. Do đó, nên nói chuyện cởi mở về tài chính và trang bị cho chúng những phương tiện tài chính cần thiết, như tài khoản thanh toán và tài khoản tiết kiệm.
Giữ gìn sức khỏe
Khi già đi, chúng ta dễ nảy sinh các vấn đề về sức khỏe hơn. Theo khảo sát của Gallup vào năm 2018, gần 44% người Mỹ trưởng thành cho biết họ lo lắng việc không thể thanh toán chi phí y tế trong trường hợp bệnh nặng hoặc tai nạn.
Do đó, một cuộc sống lành mạnh dù không thể miễn nhiễm cho bạn trước bệnh tật nhưng nó có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo hoặc những bệnh sẽ làm hao tốn rất nhiều chi phí như tiểu đường hay tim mạch.