Con đường nào ít tổn thương nhất cho nước Anh?

Theo baoquocte.vn

Trước mắt, Anh và EU cần một thỏa thuận chuyển tiếp tạm thời để có thể góp phần định hình quan hệ hai bên trong thời gian lâu nhất có thể.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thỏa thuận tạm thời

Anh sẽ bắt đầu đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về cuộc “ly hôn” - Brexit khi Thủ tướng Theresa May chính thức khởi động quá trình đàm phán vào cuối tháng 3/2017. Vấn đề đặt ra là, khi các kịch bản để đàm phán còn chưa rõ ràng thì khoảng thời gian hai năm chắc chắn không thể đủ để Anh và EU kết thúc “duyên nợ” với nhau.

Trước mắt, đợi kết quả cuối cùng, Anh và EU cần một thỏa thuận chuyển tiếp tạm thời để có thể góp phần định hình quan hệ hai bên trong thời gian lâu nhất có thể. Những người ủng hộ Brexit không ủng hộ ý tưởng này, tuy nhiên, bà Theresa May cần phải cân nhắc tới kịch bản trên.

Canada và EU mất 7 năm để đàm phán Thỏa thuận Thương mại và Kinh tế toàn diện. Do vậy, chắc chắn một thỏa thuận giải quyết vấn đề Brexit với nhiều vấn đề rộng và sâu hơn sẽ khiến hai bên mất một khoảng thời gian nhiều hơn thế. Nếu không có một thỏa thuận chính thức nào được đưa ra vào tháng 3/2019, Anh sẽ mất những ưu tiên thương mại của EU, điều này tạo ra nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng không chỉ cho Anh mà cả các thành viên EU còn lại.

Tất cả các bên đều hy vọng một cuộc chia tay thuận lợi và có thể hình thành một kiểu quan hệ giống như mô hình quan hệ của Na Uy và EU. Na Uy là thành viên của thị trường chung châu Âu nhưng không phải là thành viên của EU. Na Uy có đóng góp tài chính cho liên minh và chấp nhận quy chế tự do di chuyển, tuân thủ các phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) song không có tiếng nói trong việc hoạch định chính sách của EU. Một mô hình tương tự đối với Anh sẽ giúp nước này tránh khỏi sự đổ vỡ kinh tế.

Tuy nhiên, ý tưởng trên bị phản đối gay gắt bởi những người ủng hộ Brexit. Họ xem đây như là một hình thức đảo ngược kết quả của cuộc trưng cầu dân ý và cho rằng bà May đã phá vỡ lập trường “Brexit phải là Brexit”. Hơn nữa, với những người ủng hộ Brexit, một mô hình quan hệ kiểu như của Na Uy thậm chí còn tồi tệ hơn khi Anh là thành viên chính thức trong liên minh bởi dù phải tuân thủ quy chế tự do đi lại, đóng góp ngân sách và thực thi các luật lệ của ECJ nhưng lại không có quyền lợi tham gia chính sách.

Kịch bản trên tồn tại rất nhiều vấn đề, do đó, không ai nghĩ rằng đây sẽ là một thỏa thuận cuối cùng giữa EU và Anh nhưng có thể là một thỏa thuận tạm thời trong quá trình giải quyết vấn đề Brexit một cách hiệu quả và triệt để. Như vậy, điều khiến bà May phải đau đầu hiện tại chính là việc vừa phải cân nhắc những mất mát của nước Anh khi tách khỏi EU song vẫn phải cân nhắc thái độ của những người cương quyết ủng hộ Brexit.

Chính phủ chia rẽ

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 16/11 do hãng Ipso MORI thực hiện, gần một nửa số người Anh cho rằng chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang xử lý vấn đề Brexit một cách "tồi tệ". Theo đó, 48% số người Anh không đồng tình với những biện pháp giải quyết Brexit của Chính phủ hiện nay.

50% số người được khảo sát trả lời rằng họ không biết Chính phủ đang hoạt động như thế nào. Kết quả khảo sát trên được đưa ra sau khi một tài liệu bị rò rỉ tiết lộ Chính phủ Anh đang chia rẽ sâu sắc về Brexit và cần tuyển dụng thêm 30.000 nhân viên nữa để xử lý 500 dự án liên quan đến vấn đề này. 

Tài liệu rò rỉ cũng cáo buộc bà May có khuynh hướng đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề "theo ý riêng của mình", bởi Chính phủ bị chia thành hai phe với một bên là Ngoại trưởng Boris Johnson, Bộ trưởng Thương mại Liam Fox, Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis và bên kia là Bộ trưởng Thương mại Philip Hammond cùng Bộ trưởng Kinh doanh Greg Clark. Dù Chính phủ bác bỏ thông tin trong tài liệu rò rỉ nhưng một thành viên của Công đảng, ông John McDonnell đã lên án cách thức giải quyết Brexit "lộn xộn" của chính phủ.