"Cơn say" cổ phiếu ngân hàng
Trên các diễn đàn chứng khoán, các cuộc thảo luận về cổ phiếu ngân hàng đang là tâm điểm, đặc biệt trong giai đoạn cổ phiếu ngành này đang tăng nóng dữ dội như hiện nay.
Có thể nói, hiếm có ngành nào tăng được toàn diện như nhóm Ngân hàng trong giai đoạn vừa rồi. Trong 1 tháng, giá cổ phiếu của tất cả các nhà băng đang niêm yết/giao dịch trên thị trường chứng khoán đều tăng trưởng dương từ ngân hàng lớn đến ngân hàng nhỏ.
Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt tăng nóng
Thống kê của người viết với giá cổ phiếu ngân hàng chốt phiên 1/6 cho thấy, chỉ trong 1 tháng vừa qua, tất cả 26 mã chứng khoán ngành ngân hàng đều tăng giá, trong đó chỉ có đúng duy nhất 1 mã tăng dưới 10% là ông lớn VCB, còn lại 25 mã khác đều phi mã và tăng giá trên 2 chữ số.
Tăng mạnh nhất phải kể đến BVB, cổ phiếu Ngân hàng Bản Việt đã tăng tới 95% trong vòng 1 tháng. Từ mức 13.800 đồng/cổ phiếu, BVB đã vượt qua mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu.
Nhiều nhà băng khác cũng ghi nhận giá cổ phiếu tăng mạnh, đặc biệt ở các ngân hàng nhỏ thì mức tăng càng lớn như SGB (+85%), VBB (+83%), PGB (+78%), SSB (+52%), NAB (+51%)…
Mức tăng khủng khiếp của nhóm này đã đẩy thị giá cổ phiếu ngân hàng lên một vùng giá mới. Hiệu ứng toàn ngành tăng cũng thu hút mạnh sự chú ý của nhà đầu tư, đến nay sức nóng vẫn chưa hề suy giảm.
Đặc biệt, với việc sở hữu các cổ phiếu trên, nhiều cá nhân đã gia tăng khối tài sản trên sàn chứng khoán một cách chóng mặt. Tiêu biểu như bầu Thụy (ông Nguyễn Đức Thụy), nhờ sở hữu cổ phiếu LPB và THD - cả 2 mã đều tăng mạnh thời gian qua (trong đó LPB đã tăng 37% trong tháng 5) đã đưa vị doanh nhân này lọt top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Chưa dừng lại ở đó, ông vừa tiếp tục đăng ký mua thêm gần 33 triệu cổ phiếu LPB để gia tăng tỷ lệ sở hữu.
Cùng với bầu Thụy, một danh sách nối dài các cá nhân khác mới xuất hiện trong top 50 người giàu trên sàn chứng khoán điểm danh các cổ đông từ các ngân hàng như VPB, TCB, VIB…
Cơn sốt cổ phiếu ngân hàng càng được gia tăng hơn nữa khi nhiều công ty chứng khoán liên tiếp đưa ra khuyến nghị tích cực đến nhóm cổ phiếu này.
Cần tỉnh táo khi lao vào cuộc chơi đang quá “nóng”
Không thể phủ nhận các mã ngân hàng đã gia tăng tài sản cho các nhà đầu tư nắm giữ trước đó. Tuy nhiên đối với những nhà đầu tư mới trong bối cảnh cổ phiếu ngân hàng đã tăng nóng hiện tại, cần cân nhắc kỹ hơn vào điểm mua cổ phiếu.
Xét về đánh giá chung, ngành ngân hàng vẫn được duy trì quan điểm đánh giá tích cực trong năm nay dựa trên kết quả kinh doanh quý 1 khả quan. Một số nhà băng đã cho thấy dòng tiền tốt trong cả năm và khả năng cao ghi nhận kết quả kinh doanh nổi bật như CTG sau tái cấu trúc, VPB sau khi bán FE Credit. Các chính sách hỗ trợ khác từ phía Ngân hàng Nhà nước cũng trở thành bệ đỡ cho hoạt động kinh doanh các nhà băng tăng trưởng tốt trong năm nay.
Năm nay, phần lớn các ngân hàng cũng đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ khá đáng kể qua các hình thức như chia cổ phiếu, phát hành riêng lẻ, phát hành ESOP… Cùng với đó, việc tìm kiếm đối tác chiến lược hay ký kết hợp đồng hợp tác bảo hiểm độc quyền cũng là động lực thúc đẩy đà tăng của các cổ phiếu ngân hàng. Cũng do đó, nhiều công ty chứng khoán cũng đã đưa ra đánh giá tích cực hơn đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Tuy nhiên, một thực tế là hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều đang ở mức đỉnh lịch sử của mình và đáng nói, nhiều cổ phiếu ngân hàng nhỏ đang có mức tăng quá nóng mà không có một cơ sở nào vững chắc ngoài việc “sóng ngành”.
Các nhà đầu tư quan sát thị trường thời gian dài cũng dễ nhận thấy, một số cổ phiếu nhà băng được đẩy tăng giá trong các phiên trần một cách “lộ liễu” khi các lệnh chất trần đột ngột với khối lượng cao. Khi diễn biến giá không còn phụ thuộc chính vào cung cầu thực tế trên thị trường, nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Cổ phiếu ngân hàng vẫn đang tiếp tục nóng với những phiên tăng trần tím lịm, tuy nhiên nhà đầu tư cần chú ý đến khẩu vị rủi ro của mỗi người để có một chiến lược đầu tư đúng đắn trong giai đoạn này.