Lo "bỏng tay" với cổ phiếu ngân hàng
Vẫn hấp dẫn được dòng tiền dù thị giá đã tăng mạnh nhờ câu chuyện tăng vốn, nhưng các nhà phân tích cho rằng đã đến lúc phải cẩn trọng với nhóm cổ phiếu ngân hàng, bởi những triển vọng tích cực đã phần nào phản ánh vào giá.
Trong thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh với nhiều mã đã vượt xa mức giá cao nhất từng được thiết lập 3 năm trước và liên tục tạo đỉnh mới.
Về triển vọng cổ phiếu ngành ngân hàng, các chuyên gia cho rằng, nhóm cổ phiếu này sẽ tiếp tục là trụ cột, động lực quan trọng dẫn dắt chỉ số Vn-Index vượt qua mốc kháng cự quan trọng để chinh phục đỉnh mới, như sắp tới đây là mốc 1.300 điểm.
Giải mã “sức nóng"
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có vốn hóa lớn nhất, chiếm khoảng 30% vốn hóa toàn thị trường. Mức định giá trung bình của ngành hiện khoảng 1,8x.
Ngoài ra, ROA trung bình của ngành Ngân hàng hiện khoảng 1,2%, ROE cải thiện đáng kể ở khoảng 14%, NIM trung bình khoảng 0,9%, các độ bao phủ nợ xấu, tăng trưởng lợi nhuận trước dự phòng tín dụng đều có mức tăng trưởng rất tốt.
Trong khi đó, về thanh khoản, cổ phiếu của những ngân hàng lớn gần đây đều có giao dịch trung bình 15-20 triệu đơn vị mỗi phiên. Có thể nói, về mức độ hút thanh khoản thì ngân hàng đang là nhóm ngành số 1 của thị trường.
Theo báo cáo mới công bố của Trung tâm Phân tích - Chứng khoán SSI (SSI Research), câu chuyện tăng vốn cũng có thể là yếu tố nâng đỡ cho vận động giá cổ phiếu ngân hàng từ nay cho đến cuối năm 2021.
SSI Research cho biết, nhiều ngân hàng như Techcombank, VPBank, TPBank… có những đợt tăng vốn để cải thiện các chỉ tiêu an toàn vốn trong năm 2017-2018, trong khi các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank và BIDV) được tăng vốn trong năm 2019. Và sau những đợt tăng vốn như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng niêm yết đã vượt tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu.
Trong khi đó, năm nay, khoảng 16 ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research đã lên kế hoạch tăng vốn điều lệ với tổng số vốn lên tới 82.700 tỷ đồng (tăng 31% so với năm trước). Bao gồm: 61.800 tỷ đồng (75%) ước tính tăng qua chia tách cổ phiếu; 18.300 tỷ đồng (22%) từ phát hành riêng lẻ hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu và 2.600 tỷ đồng (3%) thông qua phát hành ESOP.
Đặc biệt, hiện nay, sự tăng trưởng của nhóm nhà đầu tư F0 trên thị trường đang rất rõ ràng, vậy nên sự phổ dụng và lan toả của nhóm ngân hàng chính là một lợi điểm cho nhóm này.
Các chuyên gia đều cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn mà nhà đầu tư cá nhân đóng vai trò then chốt. Họ cân đối, hấp thụ tất cả lực chốt lời từ ngoại khối, nội khối, nhất là tổ chức tự doanh..., giúp thị trường duy trì thanh khoản ở mức cao, lên tới 1 tỷ USD/phiên.
Tính đến nay, cả 3 sàn chứng khoán đã có gần 40 tỷ cổ phiếu của các ngân hàng và dự kiến đến cuối năm sẽ có thêm 8,6 tỷ cổ phiếu của các ngân hàng tiếp tục niêm yết. Mọi phương tiện truyền thông, đội ngũ môi giới, tư vấn… đều định vị đây là “cổ phiếu vua”... nên không khó để dẫn đến "trăm nẻo đều đổ về" nhóm ngân hàng.
Đến lúc cẩn trọng?
Dù vẫn đánh giá cao tiềm năng của nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng báo cáo của SSI Research lại khuyến nghị các nhà đầu tư cần cẩn trọng, bởi các triển vọng tích cực đã gần như phản ánh hết vào giá.
Thực tế, ngoại trừ những ngân hàng mới niêm yết từ đầu năm 2021 đến nay, hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về thị giá so với mức tăng gần 15% của chỉ số Vn-Index.
Nếu chỉ xét trên sàn HoSE, VPB và VIB là 2 mã cổ phiếu ngành ngân hàng tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian qua, lần lượt là 97% và 90% về thị giá. Các cổ phiếu khác như LPB, TCB, STB đạt mức tăng trưởng trên 50%, giá các cổ phiếu còn lại cũng tăng từ 20-40%.
Ngay cả những ngân hàng có kết quả kinh doanh không tốt, nhưng do nằm trong xu hướng chung của thị trường, giá cổ phiếu vẫn tăng.
Trước những kỳ vọng quá lớn của nhà đầu tư, tại nhiều cuộc trao đổi, các chuyên gia, thậm chí là lãnh đạo ngân hàng vẫn cảnh báo những khó khăn mà ngành này vẫn phải đối diện.
Trong một công văn cảnh báo các tổ chức tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước phát đi mới đây có nhắc tới nguy cơ chất lượng tín dụng chung đang suy giảm. Ngoài dòng chảy tín dụng “đi lạc” nhiều hơn vào lĩnh vực không được khuyến khích như bất động sản hay chứng khoán, rủi ro được cảnh báo là các khoản nợ xấu, khoản lãi và phí dự thu đang tăng mạnh.
Ngoài ra, theo báo cáo “Bảng cân đối kế toán của các ngân hàng nói lên điều gì?” của HSBC, các khoản nợ hộ gia đình ở Việt Nam cũng đang là một mối lo ngại lớn khi đạt tới 61% GDP. HSBC cho biết, dù chưa rõ chi tiết dư nợ, nhưng tỷ lệ hơn 50% là một mức cao so với thị trường mới nổi như Việt Nam, theo các tính toán trước đó của IMF.
Nhìn chung, tiềm năng là có nhiều nhưng rủi ro của ngành ngân hàng cũng không ít. Do vậy, nhìn về dài hạn, các tổ chức tín nhiệm vẫn đánh giá cổ phiếu ngân hàng nên đầu tư dài hạn và không phải là các mã cho nhà đầu tư nhỏ lẻ "nhảy vào nhảy ra".