Cơn sóng cồn hiểm họa chi phí vay nợ tại Trung Quốc
(Tài chính) Chi phí huy động tiền của các công ty tại Trung Quốc đang tăng mạnh, điều này làm suy yếu lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, thậm chí ngày càng nhiều công ty tại Trung Quốc đại lục lâm vào cảnh mắc nợ.
Các khoản nợ tại Trung Quốc tăng đột biến trong những năm gần đây. Theo Standard & Poor, tính đến cuối năm ngoái, các khoản nợ của các công ty Trung Quốc ước tính 12,1 tỷ USD gần bằng các khoản vay 12,9 tỷ USD của các doanh nghiệp Mỹ - nước hiện có các khoản nợ của doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Các hãng xếp hạng tín dụng ước tính rằng, nợ doanh nghiệp của các công ty Trung Quốc có thể sẽ vượt Mỹ trong năm nay hoặc năm tới.
“Vay nợ của doanh nghiệp đã rất cao và gây ra rủi ro tiềm ẩn đối với toàn bộ nền kinh tế”, Ding Shuang - một nhà phân tích kinh tế tại Citigroup Inc. nhận xét. Theo ông, thách thức đối với các công ty tại Trung Quốc đang gia tăng khi chính phủ thắt chặt tín dụng và các nhà đầu tư yêu cầu lãi suất huy động vốn cao hơn.
Evergreen Group Holding Co., một công ty tư nhân trong lĩnh vực đóng tàu và kỹ thuật hàng hải ở miền Đông Trung Quốc là ví dụ về những thách thức này. Chi phí đi huy động vốn của Evergreen Group Holding Co. đã tăng hơn gấp đôi trong 20 tháng qua trong khi lợi nhuận giảm.
Tháng 6/2012, Evergreen trả lãi suất 4,64% cho khoản nợ 400 triệu nhân dân tệ (66 triệu USD) trong một năm. 7 tháng sau, Evergreen đã phải phát hành trái phiếu với lợi tức lên đến 6,13%. Trong tháng 12 năm ngoái, công ty này đã phải trả khoản lãi suất 9,90% cho khoản vay tương tự.
Đây là mức lãi suất cao nhất mà Evergreen phải trả cho các khoản nợ ngắn hạn kể từ năm 2005. "Suy thoái kinh tế và chi phí đi vay tăng cao sẽ khiến các công ty phải vật lộn trong việc tìm kiếm lợi nhuận", ông Ding nói.
Evergreen đang ở vào vị trí đặc biệt dễ bị tổn thương khi các khoản nợ tại Trung Quốc đang ngày càng tăng. Evergreen là một công ty tư nhân vì vậy không được hưởng ưu đãi, chẳng hạn như các khoản vay giá rẻ mà các công ty nhà nước nhận được.
Nợ của công ty tại Trung Quốc đã tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng trưởng nền kinh tế trong 5 năm qua. Theo JP Morgan Chase, trong năm 2012, nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc là 124% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tăng từ mức 111% của năm 2010 và 92% vào năm 2008.
Nhà phân tích kinh tế Haibin Zhu làm việc tại JP Morgan cho rằng, tỷ lệ này còn cao hơn nữa trong những năm tới. Theo JP Morgan, nợ của công ty tại các nền kinh tế mới nổi thông thường chỉ ở mức 40% đến 70% GDP, trong khi con số này ở Mỹ là 81%.
Trong khi gánh nặng nợ nần có thể làm tổn thương các công ty, đó cũng là mối quan tâm của người cho vay. Ở Trung Quốc, các ngân hàng có xu hướng cho vay dựa trên bảng cân đối kế toán và là những người mua nhiều nhất trái phiếu doanh nghiệp.
"Nợ của công ty tăng cao sẽ làm tổn thương lĩnh vực tài chính của Trung Quốc, tiếp theo là ngân hàng bóng tối và các khoản nợ của chính quyền địa phương", ông Zhu nói.
Lãi suất tăng ngay cả đối với các đơn vị huy động vốn lớn của Trung Quốc. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, một ngân hàng nhà nước chịu trách nhiệm giúp đỡ phát triển kinh tế quốc gia, đã phát hành trái phiếu có thời hạn 5 năm với lợi tức ở mức 5,75% so với mức 4,97% vào cuối tháng 10 và 4,16% trong tháng 1/2013.
Đối với Ngân hàng Xuất nhập khẩu của Trung Quốc vốn chịu trách nhiệm trợ giúp thương mại xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã phát hành trái phiếu có thời hạn 3 năm từ mức 5,44% trong tháng 2 năm nay so với mức 4,80% trong tháng 10 và 3,62% trong tháng 2/2013.
Chi phí huy động vốn vay tăng cao một phần là do lợi tức trái phiếu chính phủ tăng cao. Theo WIND Info and Thomson Reuters, lợi tức trái phiếu chính phủ có thời hạn 10 năm của Trung Quốc là 4,75% vào cuối tháng 10 năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng Giêng năm 2005 và tăng từ mức 3,68% vào cuối năm 2012.
Đối với trái phiếu ngắn hạn giống Evergreen phát hành, lợi tức trái phiếu bình quân hiện nay đứng ở mức 6,26%, tăng so với mức 4,38% vào đầu năm nay và 2,77% trong năm 2005.
Với mức lợi tức trái phiếu 9,90% hiện nay, các khoản nợ của Evergreen trở nên khó xoay xở, Wang Ming - một chuyên gia của Shanghai Yaozhi Asset Management nhận định: "Nếu lãi suất huy động của Evergreen tăng trên 10% trong năm tới, làm thế nào họ sẽ có thể thu xếp các khoản nợ?".
Evergreen không bình luận về khả năng trả nợ của mình, "Chúng tôi làm mọi việc theo các quy tắc của thị trường", một quan chức phụ trách bộ phận tài chính của Evergreen - người đã từ chối bình luận cho biết.
Evergreen trong bản cáo bạch khi phát hành trái phiếu vào tháng 12 cho biết, nếu ngành công nghiệp đóng tàu vẫn yếu, "lợi nhuận của công ty có khả năng sẽ tiếp tục giảm sút, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ". Lợi nhuận sau thuế của Evergreen giảm 45,9 triệu nhân dân tệ trong 9 tháng đầu năm 2013 từ mức 324,7 triệu nhân dân tệ một năm trước đó.
Lợi nhuận giảm sút đã khiến tình hình nợ của Evergreen tồi tệ hơn. Vào cuối năm 2010, khoản lãi của công ty tương đương 33% dư nợ. Một năm sau đó con số này giảm xuống còn 12% dư nợ. Vào cuối năm 2012, lợi nhuận của Evergreen tương đương 7% dư nợ. Con số này trong năm 2013 đã không được công bố công khai.
“Các doanh nghiệp đang đối mặt với gánh nặng nợ nần và cung tiền eo hẹp. Tất cả những yếu tố này có thể sẽ dẫn đến vụ vỡ nợ trái phiếu trong năm nay. Thực tế, không chính quyền nào muốn doanh nghiệp trên địa bàn của họ là doanh nghiệp vỡ nợ đầu tiên”, Dong Hui, một chuyên gia phân tích trái phiếu tại công ty chứng khoán Trung Quốc nhận định.
Ông từ chối bình luận về danh mục đầu tư của mình, nhưng khuyên các nhà đầu tư tránh “trái phiếu phát hành bởi các công ty nhỏ rủi ro, đặc biệt là các ngành công nghiệp dư thừa công suất như thép, đóng tàu, vận tải, năng lượng mặt trời nguy cơ vỡ nợ trái phiếu cao hơn”.
Thậm chí nếu không có vụ vỡ nợ nào, nếu nhiều công ty buộc phải cắt giảm chi tiêu để huy động tiền mặt trả nợ có thể khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Lãi suất tiền tệ trên thị trường và lợi tức trái phiếu tăng cũng đã lan sang các khoản vay ngân hàng vốn chiếm phần lớn các khoản nợ của các công ty tại Trung Quốc. Những công ty nhỏ, công ty tư nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Lily Li - Giám đốc tài chính của một công ty dược phẩm tư nhân có quy mô trung bình ở Thượng Hải đang phải trả lãi suất 8% cho các khoản vay trong vòng một năm so với mức 6% của một năm trước đó.
"Chi phí đi vay từ các ngân hàng đang trở thành một gánh nặng thực sự. Chúng tôi sẽ không vỡ nợ, nhưng chúng tôi đang phải chịu quá nhiều áp lực", bà Li nói.
Jason Lee, người điều hành một công ty cung cấp thiết bị điện tử Đài Loan sở hữu, có trụ sở tại tỉnh Giang Tô, đang cố duy trì chi phí thấp bằng cách vay bằng ngoại tệ như đồng yên (Nhật Bản) hoặc vay tiền từ ngân hàng của mình tại Đài Loan - một lựa chọn không có sẵn cho hầu hết các công ty Trung Quốc.
"Tôi đã theo dõi các hoạt động tín dụng rất chặt chẽ. Chắc chắn tôi sẽ bị mất tiền nếu tôi vay bằng đồng nhân dân tệ", ông Lee nói.