Công an Đồng Tháp xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm trên không gian mạng
Thời gian qua, Công an tỉnh Đồng Tháp đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm trên không gian mạng. Ngoài các trường hợp cố tình cũng có không ít người vô ý dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội tại địa phương. Trong các trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng đã xác minh, làm rõ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số 22 trường hợp với tổng số tiền 135 triệu đồng.
Công an tỉnh Đồng Tháp đã mời làm việc, giáo dục, răn đe 119 trường hợp và yêu cầu 86 tài khoản gỡ bỏ các tin, bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung phiến diện liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Đồng Tháp), gần đây nhiều trường hợp bị xử phạt do đã đăng tải thông tin sai sự thật về dịch bệnh, làm nhiễu loạn thông tin và gây lo lắng trong Nhân dân. Đây là chủ các tài khoản trên mạng xã hội đã tạo các bài viết, video gây hiểu nhầm về tình hình dịch bệnh; tung tin về số lượng người bị nhiễm, tử vong do dịch bệnh tại các địa phương; cắt ghép hình ảnh, tin bài thật giả lẫn lộn để xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh.
Các trường hợp vi phạm chủ yếu là những người còn trẻ, thường xuyên sử dụng mạng xã hội nhưng thiếu hiểu biết, bị tiêm nhiễm bởi thông tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng, dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật. Một số trường hợp vì thích gây chú ý, lợi dụng lúc diễn biến dịch bệnh đã bịa đặt những tin giả, sai sự thật để câu like, câu view, tìm kiếm lượt tương tác.
Nhiều chủ tài khoản đưa những nội dung sai sự thật chỉ với mục đích “cho vui”, “trêu đùa” bạn bè mà không lường hết được hậu quả do nội dung xấu độc mang lại, từ đó tán phát lên không gian mạng, đến khi bị xử lý thì mới nhận ra đã vi phạm pháp luật.
Cũng theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, qua làm việc, các trường hợp vi phạm đã hiểu được hành vi vi phạm pháp luật và đính chính trên không gian mạng, cam kết không tái phạm.
Ngoài các trường hợp cố tình vi phạm, còn có một số trường hợp vô ý vi phạm pháp luật. Chủ tài khoản xuất phát từ mục đích tốt, mong muốn nội dung đăng tải, chia sẻ có thể cảnh giác cho người khác. Tuy nhiên, do chủ tài khoản đã đăng tải, chia sẻ nội dung sai sự thật dẫn đến vi phạm pháp luật.
Những nội dung đăng tải sai sự thật về công tác phòng, chống dịch bệnh đã ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống cá nhân cũng như ảnh hưởng danh dự và uy tín của cơ quan, tổ chức Nhà nước, nhất là gây lo lắng trong Nhân dân. Các nội dung được đăng tải trên không gian mạng sai sự thật làm người dân hiểu chưa đầy đủ, chưa đúng về các quy định của pháp luật, hướng dẫn của cơ quan chức năng, dẫn đến không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm các quy định của pháp luật.
Gần đây, còn xuất hiện tình trạng người lao động chưa hiểu rõ về công tác đón, rước công dân, đã phát sinh tâm lý “so bì”, chỉ trích, sau đó đăng tải lên mạng xã hội nhiều nội dung xúc phạm đến uy tín lãnh đạo, chính quyền các cấp. Cơ quan chức năng đã xử lý các trường hợp lôi kéo người dân không chấp hành những biện pháp phòng, chống dịch, nhất là có hành vi chống đối với lực lượng thi hành công vụ trên địa bàn.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo người dân thường xuyên tìm hiểu quy định pháp luật liên quan đến an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, người dân cần kiểm chứng nguồn để cảnh giác, không chia sẻ thông tin có thể gây tâm lý hoang mang trong dư luận.
Chọn lọc tiếp cận thông tin, không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận sai sự thật, hình ảnh phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
Người dân tuyệt đối không lợi dụng mạng xã hội thành nơi phản ánh sai sự thật, công cụ xuyên tạc, xúc phạm, bôi nhọ uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân từ đó dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.