Công bố 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất VN năm 2013
(Tài chính) Hôm nay 18/2, tại Hà Nội, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) kết hợp cùng báo điện tử VietNamNet chính thức công bố Bảng xếp hạng FAST 500 năm 2013 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam.
Bảng xếp hạng FAST500 được công bố định kỳ hàng năm nhằm tìm kiếm và tôn vinh những doanh nghiệp năng động, có mức tăng trưởng cao trong giai đoạn 4 năm từ năm 2009 đến 2012, được ví như điểm hội tụ của những ngôi sao đang lên, những đại diện cho nỗ lực vượt khó, vững vàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Đây là năm thứ tư liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 chính thức được công bố tại Việt Nam. Thứ hạng các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng FAST500 được sắp xếp theo tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu giai đoạn 2009 -2012, có tính đến các các tiêu chí như tổng tài sản, tổng số lao động, lợi nhuận sau thuế, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông... như những yếu tố tham khảo trong quá trình xếp hạng doanh nghiệp.
Bảng xếp hạng FAST500 được công bố theo 2 Danh sách như sau:
Danh sách 1: Bảng xếp hạng FAST500 - TOP 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam; trong đó đứng đầu là Công ty cổ phần XNK cà phê Intimex Nha Trang, tiếp đến là Công ty cổ phần CNG Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại dịch vụ Phan Minh, Công ty cổ phần VINACOMMODITIES, Công ty cổ phần Kho vận PETEC….
Danh sách 2: Bảng xếp hạng FAST500 - TOP 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam; trong đó dẫn đầu là Công ty cổ phần Thương mại và Khai thác khoáng sản Dương Hiếu, tiếp đến là Công ty TNHH TÂN CC, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Thành – UDIC, Công ty TNHH MTV Nước khoáng và Thương mại dịch vụ Quảng Ninh, Công ty TNHH MTV Sữa Lam Sơn…
Theo kết quả đánh giá của Vietnam Report, tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam trong giai đoạn 2009 – 2012 đạt 44,7%, thấp hơn nhiều so với mức 62,2% của các doanh nghiệp FAST500 trong giai đoạn 2008 – 2011. Đây là năm tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của các doanh nghiệp FAST500 đạt mức thấp nhất trong 4 năm công bố vừa qua.
Trong Bảng xếp hạng FAST500, số doanh nghiệp tư nhân lọt vào bảng chiếm tới trên 65%, nhiều hơn gấp đôi so với khối doanh nghiệp Nhà nước. Bên cạnh đó, CAGR trung bình của khối tư nhân cũng cao hơn hẳn so với khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước (doanh nghiệp tư nhân: 50,3%, doanh nghiệp FDI: 43,8%, doanh nghiệp Nhà nước: 38,9%). Con số trên đây là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy xét về mức độ năng động thì khối tư nhân vẫn là ngọn cờ tiên phong của nền kinh tế.
Trong danh sách 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2013 cũng là những điển hình của khối doanh nghiệp tư nhân với tỷ lệ số doanh nghiệp áp đảo đến hơn 70% càng khẳng định thêm những kỳ vọng dành cho các doanh nghiệp tư nhân trẻ là hoàn toàn xứng đáng.
Theo đó, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống là ngành có đông doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất (18%), tiếp sau là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và bất động sản (16%), ngành khoáng sản, xăng dầu (9%), ngành tài chính (8%), ngành hóa chất (7%). Tuy nhiên xét về tốc độ tăng trưởng CAGR bình quân ngành thì thủy sản lại là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất (trên 65,1%), thay thế vị trí của ngành cơ khí trong Bảng xếp hạng năm 2012. Theo sau ngành thủy sản là ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản (59,2%) và ngành vận tải (58,6%). Như vậy, mặc dù có sự “soán ngôi” tài tình về số lượng của ngành thực phẩm, đồ uống, song là ngành “tăng trưởng nóng”, bất động sản vẫn tiếp tục ghi dấu của mình trong Bảng xếp hạng FAST500 năm nay.
Cũng theo kết quả đánh giá của Vietnam Report, hầu hết các doanh nghiệp nằm trong bảng xếp hạng đều ở 2 thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, với tỷ lệ tương ứng là 31% và 21%. Tuy nhiên, ở nhóm các doanh nghiệp FAST 500 lại trải đều trên địa phương, từ Bà Rịa – Vũng Tàu cho đến Hải Phòng, Long An, Khánh Hòa. Điều này cho thấy những ngôi sao đang lên của nền kinh tế không chỉ tập trung tại các thành phố lớn mà còn tỏa sáng tại khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Kết quả khảo sát cho thấy, với kết quả kinh doanh năm 2013 tốt hơn so với năm 2012 (xấp xỉ 86% đại diện tham gia khảo sát cho biết, doanh thu năm 2013 của doanh nghiệp mình cao hơn so với năm 2012) thì phần đông các doanh nghiệp Việt đều đặt kỳ vọng 2014 sẽ là năm chấm dứt giai đoạn khó khăn kéo dài và bắt đầu cho thời kỳ tăng trưởng mới.