Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 8 luật được Quốc hội khóa XV thông qua

PV. (t/h)

Sáng 17/7, thay mặt Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã chủ trì buổi họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố 8 Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Quang cảnh Họp báo sáng 17/7.
Quang cảnh Họp báo sáng 17/7.

8 luật vừa được Quốc hội thông qua gồm: Luật Giao dịch điện tử; Luật Đấu thầu; Luật Hợp tác xã; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Giá; Luật sửa đổi, bổ một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Phòng thủ dân sự.

Tại buổi họp báo, đại diện các bộ, ngành đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của các Luật trên. 

Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) gồm 8 chương, 53 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024, thay thế Luật GDĐT (năm 2005).

Luât GDĐT tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia; ưu tiên, khuyến khích thực hiện GDĐT, phát triển GDĐT toàn diện, toàn trình bằng các chính sách giúp tối ưu hóa quy trình, rút ngắn thời gian xử lý GDĐT thuận tiện, an toàn và tin cậy hơn...

Luật Đấu thầu có 10 chương với 96 điều, được ban hành nhằm hình thành khung pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu.

Luật Đấu thầu sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản nhà nước; phòng chống, ngăn chặn tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu...

Luật Hợp tác xã được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, thay thế Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13. Luật gồm 12 chương, 115 điều, tăng 3 chương và 51 điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012 (gồm 9 chương, 64 điều).

Luật Hợp tác xã năm 2023 được ban hành nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm thống nhất, đầy đủ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể. 

Đồng thời, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có 7 chương, 80 điều. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật mới bổ sung 1 chương; số lượng các điều tăng từ 51 lên 80 điều.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, tạo động lực cho cạnh tranh và phát triển sáng tạo của doanh nghiệp.

Đồng thời, khuyến khích hoạt động của các tổ chức xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Đất nước.

Luật Giá: Ngày 19/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Giá với nhiều nội dung mới, trong đó quy định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, đồng thời xác định mối quan hệ giữa Luật Giá với các Luật có quy định về giả nhằm khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành khác.

Luật Giá năm 2023 nhằm hoàn thiện thể chế pháp luật về giá, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn với các luật chuyên ngành; hạn chế sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá, góp phần tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

Luật sửa đổi, bổ một số điều của Luật Công an nhân dân được ban hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Luật này cũng thể chế hóa quan điểm chỉ đạo điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019; khắc phục vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Công an nhân dân năm 2018.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất nhập cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật của Nhà nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Luật được ban hành là bước hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu thị trường, đầu tư.

Đơn giản hóa thủ tục, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam; góp phần phát triển kinh tế - xã hội; vừa bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội...

Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương, 55 điều, quy định cụ thể về: Phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự; chính sách của Nhà nước về phòng thủ dân sự; thông tin về sự cố, thảm họa; cấp độ phòng thủ dân sự; khoa học và công nghệ trong phòng thủ dân sự;

Bên cạnh đó, Luật quy định về hợp tác quốc tế trong phòng thủ dân sự; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tỏng hoạt động phòng thủ dân sự; nguồn lực cho phòng thủ dân sự…