Công bố nhiều án lệ liên quan đến quyền sử dụng đất

Theo Dương Dung/plo.vn

TAND Tối cao vừa có quyết định công bố tám án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua, trong đó nhiều án lệ liên quan đến quyền sử dụng đất.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

TAND Tối cao vừa có Quyết định số 50 về việc công bố án lệ. Quyết định công bố tám án lệ đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua (có án lệ kèm theo). 

Các TAND và tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 15/4 tới. 

Tám án lệ vừa được công bố gồm:

Án lệ số 30/2020 về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại sau khi xảy ra tai nạn giao thông.

Án lệ số 31/2020 về xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của nhà nước theo Nghị định số 61 của Chính phủ là quyền tài sản.

Ánh lệ số 32/2020 về trường hợp đất do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.

Án lệ số 33/2020 về trường hợp cá nhân được Nhà nước giao đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài.

Án lệ số 34/2020 về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường.

Án lệ số 35/2020 về người Việt Nam trước khi đi định cư ở nước ngoài giao lại đất nông nghiệp cho người ở trong nước sử dụng.

Án lệ số 36/2020 về hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị thu hồi, hủy bỏ.

Án lệ số 37/2020 về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm.

Quyết định nêu rõ việc áp dụng án lệ được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 Nghị quyết số 04/2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.

Theo đó, án lệ được nghiên cứu, áp dụng trong xét xử sau 30 ngày kể từ ngày công bố. Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau.

Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của tòa án.

Trường hợp tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần nhận định của tòa án.

Tùy từng trường hợp cụ thể, tòa án có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.