Công bố tư liệu gốc Hán Nôm về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa

PV.

(Tài chính) Ngày 3/6, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức buổi họp báo giới thiệu cuốn sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông”.

GS., TS. Trịnh Khắc Mạnh phát biểu tại buổi họp báo. Nguồn: financePlus.vn
GS., TS. Trịnh Khắc Mạnh phát biểu tại buổi họp báo. Nguồn: financePlus.vn

Biển Đông đã và đang trở thành nơi tranh chấp của những lợi ích địa chính trị khác nhau, do đó, việc xác định biên giới, chủ quyền quốc gia là vấn đề quan trọng hàng đầu, nhất là trong tình hình hiện nay, khi Trung Quốc hạ lệnh đặt giàn khoan Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

GS., TS. Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, từ trước tới nay, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam tại biển Đông. Mỗi công trình, đề tài đã tiếp cận từ nhiều nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu khác nhau và tất cả đều thống nhất khẳng định, hai quần đảo này thuộc vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông.

GS., TS. Trịnh Khắc Mạnh, Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho biết, trong lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước, từ thời Lý đến thời Nguyễn, Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm đến cương giới lãnh thổ của đất nước, cả đất liền lẫn hải đảo. Qua nghiên cứu nhiều tài liệu Hán Nôm như bản đồ, địa chí, lịch sử, văn hành hành chính, tạp văn… đều chỉ ra rằng hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ rất lâu đã trở thành địa điểm của cư dân Việt Nam sinh sống và khai thác sản vật, thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam.

Ông Mạnh cũng chia sẻ thêm, trong lịch sử, các bản đồ Trung Quốc và phương Tây đều thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quân đảo trên và Trung Quốc phải tôn trọng lịch sự, không thể gian lận và trắng trợn như hiện nay. Hiện nay, Viện đang giữ một số cuốn sách dạy học sinh tiểu học của Trung Quốc năm 1912 và tại thời điểm này, bản đồ lãnh thổ của Trung Quốc mới chỉ đến đảo Hải Nam.

Công bố tư liệu gốc Hán Nôm về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa - Ảnh 1

Với gần 500 trang sách, tóm tắt những thông tin quý giá từ khối tư liệu 3.000 trang Hán Nôm, cuốn sách "Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển của Việt Nam ở biển Đông" là căn cứ lịch sử và pháp lý sinh động khẳng định chủ quyền cũng như cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.