Công bố văn bản cuối cùng của CPTPP, chờ ngày ký chính thức
Ngày 21/2, phiên bản cuối cùng của hiệp định CPTPP đã được công bố. Trong phiên bản này, nhiều điều khoản về sở hữu trí tuệ liên quan tới dược phẩm đã bị đình chỉ hiệu lực. Đây là các điều khoản từng được Mỹ kiên quyết đưa vào để bảo vệ các công ty dược phẩm nước này.
Theo Reuters, hơn 20 điều khoản đã bị đình chỉ hoặc thay đổi trong bản hiệp định cuối cùng trước khi văn bản này được kí kết vào tháng 3.
"Thay đổi lớn nhất của CPTPP là đình chỉ nhiều điều khoản từng gây nhiều tranh cãi, cụ thể là các điều khoản xoay quanh vấn đề dược phẩm", Giáo sư luật học từ Đại học Sydney Kimberlee Weatherall nói.
Các điều khoản về thắt chặt bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới sản phẩm dược được đưa vào bản TPP đầu tiên bởi Mỹ. Các quy định này từng khiến một số chính phủ và nhà hoạt động xã hội lo ngại có thể làm giá các sản phẩm y dược tăng cao.
Động thái công bố dự thảo cuối cùng của CPTPP được giới quan chức tại Nhật Bản và nhiều quốc gia thành viên khác ca ngợi như một giải pháp quan trọng để ứng phó với chủ nghĩa bảo hộ gia tăng của Mỹ.
Lễ ký chính thức dự kiến được tiến hành vào ngày 8/3 tới tại Chile.
25 thượng nghị sĩ Cộng hòa kêu gọi Tổng thống Trump tham gia TPP
Trước đó vào tuần trước, các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã gửi thư hối thúc Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khởi động quá trình đàm phán nhằm gia nhập TPP với các điều khoản có lợi hơn.
Nhóm thượng nghị sĩ nói trên chiếm gần phân nửa trong số 51 ghế của đảng Cộng hòa tại thượng viện và bao gồm các nhân vật kỳ cựu như John Cornyn, Orrin Hatch và John McCain.
Các nghị sĩ này thúc giục Tổng thống Trump hãy theo đuổi việc quay trở lại đàm phán TPP, mà theo họ góp phần ủng hộ nền kinh tế Mỹ và “thắt chặt quan hệ với các đồng minh trong khu vực cùng chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc".
Hợp tác với 11 quốc gia trong TPP "có tiềm năng cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ, hỗ trợ hàng triệu việc làm, tăng xuất khẩu, tăng lương, giải phóng hết tiềm năng của Mỹ và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng", nhóm Thượng nghị sĩ viết.
Lá thư có đoạn viết: “Chúng tôi ủng hộ Tổng thống mới đây bày tỏ quan tâm tới việc quay lại TPP. Cắt giảm các hàng rào thương mại - đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của người Mỹ và việc cân bằng sân chơi cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất, ngư dân hay nông dân Mỹ là điều vô cùng quan trọng. Tăng cường can dự với một khu vực và thị trường gần 500 triệu dân có thể mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế Mỹ. Chúng tôi khuyến khích Tổng thống quyết tâm hành động để có được những cải cách cho phép Mỹ tham gia Hiệp định TPP”.
Bức thư của các nghị sĩ Mỹ chỉ ra việc tái gia nhập TPP có thể giúp Mỹ thắt chặt quan hệ với các đồng mình và đối tác trong khu vực, đồng thời tạo cơ sở để Mỹ đàm phán lại các thỏa thuận kinh tế với Mexico và Canada. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Trung Quốc đang gia tăng, 25 nghị sĩ Mỹ coi việc gia nhập TPP có thể hạn chế ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc và gây sức ép buộc Bắc Kinh thực thi các cải cách kinh tế.
Ông Trump đã từ bỏ TPP ngay sau khi bước vào Nhà Trắng, nhưng 11 nước còn lại, bao gồm New Zealand, Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Singapore và Việt Nam, đã đạt được thỏa thuận mới có tên là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos tháng trước, Tổng thống Donald Trump để ngỏ khả năng quay lại với hiệp định TPP nếu Mỹ có thể đạt được những thỏa thuận có lợi hơn. Tuy nhiên, một số quan chức 11 nước thành viên còn lại của TPP khẳng định viễn cảnh ấy "khó xảy ra" và không có gì đảm bảo các nước sẽ gỡ bỏ các điều khoản vừa đình chỉ để chào đón Mỹ.