Chủ động đón đầu cơ hội từ CPTPP
Với quy mô nhỏ hơn khá nhiều so TPP, song với những cam kết đã được tiết lộ, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vẫn được đánh giá là một hiệp định thương mại mẫu mực của thế kỷ 21. Tác động của CPTPP nhìn chung là tích cực, tuy nhiên, những âu lo vẫn hiện hữu, thậm chí tăng lên ở một số vấn đề.
Với quyết tâm "hồi sinh" bản thỏa thuận vàng về thương mại tự do trong khu vực, cùng sự chủ động và quyết liệt dẫn dắt của Nhật Bản,
11 quốc gia thành viên đã cho ra đời Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Dự kiến tháng 3 tới, CPTPP chính thức được ký kết, trở thành khu vực kinh tế có quy mô lớn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với hơn 460 triệu dân, đóng góp 14% GDP thế giới và 1/6 thương mại toàn cầu. Với việc cắt giảm thuế quan đối với hơn 90% dòng hàng hóa của các nước thành viên cộng với những cam kết "sau biên giới", đặc trưng của các FTA thế hệ mới, CPTPP vượt trội ở cả nội dung hợp tác và số lượng thành viên so với nhiều thỏa thuận thương mại khác ở khu vực cũng như toàn cầu.
CPTPP có những tác động dự tính khác biệt so với TPP. Các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, vốn đã sẵn sàng tham gia một hiệp định với tiêu chuẩn rất cao là TPP. Vì thế, việc CPTPP không có Mỹ và tạm hoãn thực hiện một số điều khoản gây ra không khí kém vui cho khá nhiều bên, trong đó có tâm trạng thất vọng khi thị trường lớn như Mỹ không tham gia; và kém lạc quan khi sức ép cải cách giảm do nhiều điều khoản có tính chất gây áp lực mạnh được tạm "treo".
Về mặt kinh tế, đối với Việt Nam, tác động của CPTPP sẽ không lớn như TPP. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, với TPP, GDP có thể tăng thêm 6,7%, góp thêm 15%-17% tăng trưởng về xuất khẩu. Với CPTPP, GDP chỉ tăng thêm 1,32%, tăng trưởng về xuất khẩu chỉ thêm 4%. CPTPP giúp tăng nhập khẩu 3,8%, còn TPP làm tăng nhập khẩu 10,5%. Ở một số ngành, triển vọng là không rõ ràng, thí dụ dệt may, quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang các quốc gia CPTPP chỉ chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may, thấp hơn rất nhiều so mức gần 38% của riêng thị trường Mỹ. Trong khi đó, thách thức của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, dược phẩm và tài chính,... trước các đối thủ giàu sức cạnh tranh đến từ Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân vẫn còn nguyên.
Về nội dung, 22 điều khoản bao gồm nhiều quy định quan trọng liên quan sở hữu trí tuệ, mua sắm của chính phủ, quan hệ giữa doanh nghiệp và chính phủ,... được tạm hoãn thực hiện. Những điều khoản này từng gây quan ngại lớn với một số nước thành viên như Ma-lai-xi-a, Việt Nam, do đặt ra những yêu cầu cải cách sâu rộng, có thể kéo theo những tác động xã hội sâu sắc. Việc hoãn thực hiện rõ ràng làm giảm những quan ngại về biến động xã hội, tuy vậy những cải cách kinh tế và hành chính mới, nếu không phải là kết quả của quá trình tự nhận thức của các thành viên, sẽ không biết bao giờ mới diễn ra. Một nền kinh tế thị trường với nền tảng thể chế vững chắc sẽ khó hiện hữu, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước.
Xét về cả nhu cầu cải cách kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc tham gia CPTPP là yêu cầu cấp thiết. Vấn đề là, Việt Nam cần làm gì để lộ trình hội nhập sắp tới thuận lợi hơn.
Thứ nhất, mô hình kinh tế thị trường dù có gắn thêm tính từ nào chăng nữa thì các nguyên lý của thị trường vẫn cần được tôn trọng. Trong đó, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh là nhiệm vụ hàng đầu. Việc cải cách thủ tục hành chính và tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ hơn là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay. Nếu thủ tục hành chính vẫn là rào cản, nạn tham nhũng vẫn tiếp tục hủy hoại sự minh bạch cần có trong quản lý doanh nghiệp, thì hội nhập kinh tế nói chung và tham gia CPTPP nói riêng không là cơ hội, mà là thách thức với toàn bộ hệ thống.
Thứ hai, cải cách môi trường thể chế, hướng tới các "luật chơi" quốc tế là điều kiện cần thiết cho tăng trưởng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Mặc dù điều chỉnh hệ thống chính sách liên quan đến các quy định của CPTPP là một quá trình khó khăn và phát sinh chi phí đáng kể, song lợi ích có được từ việc xây dựng một môi trường thể chế minh bạch là khả thi trong trung và dài hạn.
Thứ ba, ưu tiên phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. So với nhu cầu lao động và nhu cầu tăng trưởng kinh tế, số lượng doanh nghiệp hiện vẫn rất thấp. Hơn nữa, doanh nghiệp vừa và nhỏ là trọng tâm ưu tiên về chính sách và nguồn lực phát triển của các thành viên CPTPP. Ưu tiên nhóm đối tượng này vừa phù hợp với nhu cầu phát triển của đất nước vừa tận dụng được chính sách của các thành viên CPTPP.
Cuối cùng, hệ thống doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu thông tin, kiến thức về CPTPP từ đó chủ động đổi mới trang thiết bị công nghệ theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn của CPTPP. Doanh nghiệp cũng cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên kết gắn bó, cùng xây dựng chiến lược phát triển thị trường trong và ngoài nước, bảo đảm sự phát triển vượt trội trong cạnh tranh.