Cộng đồng doanh nghiệp đồng thuận với sử dụng tem điện tử
Ngày 23/12, Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo "Góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng tem điện tử".
Hiện nay, các sản phẩm rượu bia, thuốc lá bắt buộc phải dán tem giấy vào từng sản phẩm. Tem giấy do cơ quan thuế và hải quan cấp, sau đó doanh nghiệp mua máy móc về để thực hiện dán tem vào mỗi sản phẩm.
Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp thuốc lá và rượu đều có ý kiến đồng thuận với chủ trương dán tem điện tử. Các hiệp hội, doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của dự thảo thông tư đã có những ý kiến góp ý nhằm đảm bảo tính hợp lý, khả thi của các quy định trong thông tư khi được triển khai thực tế, đồng thời không làm phát sinh chi phí và thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Dự thảo Thông tư đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến hoàn thiện. Dự thảo quy định về nguyên tắc dán tem, quy trình sử dụng tem điện tử, các vấn đề khác liên quan đến quản lý tem điện tử và có tác động lớn đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu rượu, thuốc lá.
Theo Dự thảo, tem điện tử là tem có dấu hiệu nhận biết bằng mắt thường và có chứa đựng các thông tin, dữ liệu điện tử được kích hoạt, tra cứu trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan phục vụ công tác quản lý của doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước.
Sản phẩm thuốc lá nhập khẩu và sản xuất tiêu thụ trong nước phải được dán tem theo quy định tại Nghị định số 67/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mỗi bao thuốc lá được dán 01 con tem. Tem được dán tại vị trí đảm bảo nguyên tắc khi mở bao thuốc lá tem sẽ rách.
Rượu nhập khẩu và rượu sản xuất trong nước phải dán tem theo quy định tại Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Tem rượu được dán vắt qua nơi rượu có thể được lấy ra trên bao bì chứa sản phẩm rượu (nắp chai, nắp hũ, nắp bình, vòi rượu hoặc vị trí tương tự) đảm bảo khi mở nắp thì tem sẽ rách và không thể sử dụng lại.
Đối với hàng sản xuất trong nước, Tổng cục Thuế thực hiện in, phát hành tem thuốc lá sản xuất trong nước, rượu sản xuất trong nước. Các tổ chức, cá nhân có giấy phép sản xuất rượu (bao gồm giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, giấy phép sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước, phải thực hiện dán tem đúng quy định trước khi đưa sản phẩm đi tiêu thụ trong nước.
Theo các chuyên gia, việc cải tiến các phương thức quản lý và áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý nhà nước là cần thiết, việc sử dụng mã QR đang là một xu thế chung đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng.
Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế sẽ được nghiên cứu và cân nhắc kỹ về sự cần thiết, tác động và thời điểm áp dụng của chính sách mới đối với doanh nghiệp; đồng thời, đảm bảo các mã QR được sử dụng một cách thuận tiện và chính xác, cần phải có những tiêu chuẩn và qui chuẩn rõ ràng cho từng lĩnh vực.
Đại diện một số doanh nghiệp nêu ý kiến, để có thể tận dụng tối đa những ưu việt của các công cụ điện tử như mã QR, các cơ quan quản lý cần chú trọng trước tiên vào việc phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc quản lý thông tin của doanh nghiệp, cũng như lưu trữ tra cứu thông tin tem điện tử để đảm bảo công tác mua tem cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm đều được trơn tru, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Hữu Tân, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng Cục Thuế) khẳng định, cơ quan soạn thảo đã lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý của doanh nghiệp và cân nhắc xem xét điều chỉnh những quy định trong dự thảo thông tư với tinh thần giảm thiểu tối đa các phát sinh về tài chính và hành chính lực của doanh nghiệp trong việc thực hiện dán tem điện tử theo quy định mới.