Cộng đồng quốc tế ủng hộ mạnh mẽ xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam

Lê Thu

Gần 400 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, các định chế tài chính, quỹ đầu tư, công ty tư vấn, và các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị “Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam” do Bộ Tài chính và UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 28/3 đã chia sẻ và đóng góp nhiều kinh nghiệm, ý kiến thiết thực, có chiều sâu cho việc xây dựng Trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh.

Gần 400 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị “Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam” .Ảnh Đức Mỹ
Gần 400 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự Hội nghị “Xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam” .Ảnh Đức Mỹ

Nhiều ý kiến thiết thực

Với sự điều hành của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Bích Ngọc, trong 4 phiên thảo luận đã tập trung vào các nội dung, gồm: Kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Trung tâm tài chính – gợi ý chính sách cho Việt Nam; Đề xuất chính sách cần thiết cho Trung tâm tài chính; định vị trung tâm tài chính tại Việt Nam; sự chuẩn bị của các địa phương trong việc xây dựng, phát triển và vận hành Trung tâm tài chính.

Tại phiên thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển Trung tâm tài chính trên thế giới, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển các Trung tâm tài chính, nhằm rút ra bài học và gợi ý chính sách cho Việt Nam.

Ông Andrew Oldland, Trưởng nhóm công tác về Trung tâm tài chính quốc tế, Tổ chức TheCityUk cho rằng, một trong những điều quan trọng là Việt Nam cần điều chỉnh mô hình xây dựng trung tâm tài chính cho phù hợp bối cảnh Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của ông đã giúp xây dựng các báo cáo để thực hiện trung tâm tài chính ở Việt Nam như xây dựng cơ sở hạ tầng, thành lập cơ quan điều hành trung tâm tài chính, cần có cơ chế điều khiển các dòng tiền tự do...

Đặc biệt, nhóm đã giúp Việt Nam đánh giá được sự khác biệt của nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế đã thành lập trung tâm tài chính; xác định rõ xu hướng đổi mới sáng tạo trong trung tâm tài chính, điểm khác biệt về xu hướng tài chính so với một số quốc gia đã hình thành trung tâm tài chính, thúc đẩy tài chính xanh, tài chính số...

Tiến sĩ Kuang Qu, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Kế hoạch và phát triển kiêm Giám đốc Chiến lược Phát triển Bền vững, Ngân hàng Trung Quốc nhắc đến Khu thương mại tự do Thượng Hải có một số cơ chế cởi mở hơn, để giúp giao dịch quốc tế một cách dễ dàng. Đây là một kinh nghiệm quan trọng để gợi mở cho Việt Nam.

Nhiều kinh nghiệm, ý kiến thiết thực của các chuyên gia góp ý cho việc xây dựng Trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đức Mỹ
Nhiều kinh nghiệm, ý kiến thiết thực của các chuyên gia góp ý cho việc xây dựng Trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Đức Mỹ

Ông Rich McClellan, Cố vấn cấp cao về phát triển Trung tâm tài chính, nguyên Giám đốc quốc gia Việt Nam của Viện Nghiên cứu Tony Blair cho rằng, với những lợi thế hiện có, Việt Nam cần tận dụng thế mạnh khi xây dựng trung tâm tài chính như sự phát triển kinh tế, kim ngạch thương mại tăng trưởng hàng năm, nguồn nhân lực…

Trong phần thảo luận đề xuất chính sách cần thiết cho Trung tâm tài chính, các chuyên gia đến từ ngân hàng, quỹ đầu tư trong và ngoài nước đã tập trung thảo luận về các chính sách và giải pháp cụ thể cần thiết để hình thành và phát triển Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

Trong đó,  thu hút đầu tư (đặc biệt là đầu tư nước ngoài), xây dựng khuôn khổ thể chế và chính sách thuận lợi, cũng như thúc đẩy các xu hướng công nghệ tài chính (fintech), tài sản số và tài chính xanh…

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp trong việc việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo lập hệ sinh thái bền vững cbềnTrung tâm tài chính…

Bước ngoặt xây dựng Trung tâm tài chính

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đánh giá: Đây không chỉ là sự kiện đối thoại chính sách thông thường mà thực sự là một bước ngoặt – một dấu mốc mang tính chiến lược trong tiến trình xây dựng Trung tâm Tài chính tại Việt Nam.

Thay mặt Bộ Tài chính, Bộ trưởng đã ghi nhận và gửi lời cảm ơn tới các đại biểu đã dành sự tâm huyết, thẳng thắn và tầm nhìn dài hạn để chia sẻ và đóng góp những ý kiến thiết thực, có chiều sâu.

Bộ trưởng cho rằng, những nội dung được thảo luận tại Hội nghị không chỉ phản ánh sự quan tâm mà còn thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng đối với quá trình xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam.

“Mặc dù có nhiều thách thức đã được nêu ra tại Hội nghị, tôi vui mừng nhận thấy có sự thống nhất cao giữa các chuyên gia trong việc khẳng định Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành một trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, thậm chí toàn cầu” – Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, tất cả các chuyên gia đều thể hiện quan điểm đồng thuận về vai trò chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển địa kinh tế toàn cầu;

Các ý kiến đều  tập trung nhấn mạnh ba trụ cột cốt lõi để phát triển Trung tâm tài chính: Cải cách thể chế – đầu tư hạ tầng – phát triển nhân lực chất lượng cao;

Nhiều đại biểu đã khẳng định Việt Nam đang đứng trước “cửa sổ cơ hội vàng” để trở thành nơi hội tụ dòng vốn, công nghệ và nhân tài tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng tin tưởng rằng, với sự đồng hành của các đại biểu, Việt Nam sẽ từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một Trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế; khẳng định vai trò, vị trí của mình trong các trung tâm tài chính toàn cầu.