Công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ: Bước tiến mới trong kỷ luật hành chính
(Tài chính) Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao là bước tiến tích cực trên hành trình từng bước hoàn thiện và siết chặt hơn kỷ luật hành chính, giúp khắc phục bệnh chậm tiến độ và lỏng lẻo kỷ cương công vụ, bảo đảm hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được liên tục, thông suốt.
“Bệnh chậm tiến độ và lỏng lẻo kỷ cương công vụ”
Trong quá trình chuyển đổi, phát triển và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý đồng bộ, phù hợp với các nguyên tắc thị truờng, yêu cầu và cam kết hội nhập; triển khai các hoạt động, từng bước xây dựng, củng cố nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng các mục tiêu quản lý và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, được dư luận ghi nhận, hoan nghênh.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, còn nhiều hiện tượng bất cập trong hoạt động quản lý nhà nước. Đặc biệt, việc “chậm tiến độ và lỏng lẻo kỷ cương công vụ” dường như ngày càng trở thành căn bệnh mãn tính, với những hệ lụy nhiều khi không thể tính bằng tiền.
Chậm cấp cứu bệnh nhân khiến người bệnh thêm vật vã, thậm chí tử vong. Chậm tiếp cận và xử lý linh hoạt thông tin thị trường khiến doanh nghiệp thua lỗ. Chậm giải quyết thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng công chức làm tăng tình trạng trì trệ, dồn tắc, phát sinh chi phí đắt đỏ cho cả nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Chậm điều chỉnh luật cũ và ra các văn bản hướng dẫn thi hành luật mới ban hành khiến luật không đi vào cuộc sống…
Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp, chỉ trong 10 năm (2003-2013), các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước đã tiếp nhận, kiểm tra trên 1,7 triệu văn bản, phát hiện trên 50.000 văn bản sai trái (tức khoảng 3%) và đã xử lý ở các mức độ khác nhau.
Đặc biệt, hiện tượng chậm, “nợ đọng” và cả “nợ xấu” trong xây dựng và ban hành đồng bộ các văn bản dưới luật cũng phổ biến không kém. Danh sách số lượng văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật còn nợ đọng thật đáng quan ngại: Cả nước nợ 60 văn bản trong năm 2001; tăng lên 80 năm 2002, còn 50 năm 2003 và đỉnh cao là 165 năm 2006; sau đó giảm còn 52 vào năm 2007; 45 năm 2010 và 58 năm 2011; năm 2013 còn nợ 93 văn bản; 7 tháng đầu năm 2014 nợ 53 văn bản.
Văn bản chất lượng thấp làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, nhưng việc thiếu văn bản hướng dẫn kịp thời và đồng bộ cũng vô hiệu hóa một luật cần thiết. Tình trạng “lạm phát” văn bản sai trái, kém chất lượng, song hành cùng tình trạng “thiểu phát” các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần thiết chính là hai lỗ hổng pháp lý và bất cập lớn về hoạt động quản lý nhà nước pháp quyền trong bối cảnh hội nhập.
Bệnh chậm tiến độ và lỏng lẻo kỷ cương công vụ có nhiều căn nguyên, nhưng thực tế cho thấy thường nghiêng về yếu tố con người. Một số trường hợp là do hạn chế về nhận thức, năng lực, thông tin; do nhiệm vụ không rõ hoặc “bất khả thi”, không hài hòa lợi ích; do vướng mắc trong cơ chế phân cấp, phối hợp thực hiện. Đa phần là do tắc trách, thiếu trách nhiệm và lười biếng, hoặc bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, nhóm và nếp tư duy nhiệm kỳ cùng hàng loạt lý do đa dạng khác…
Những bất cập trên đây, trực tiếp hay gián tiếp, ít nhiều đều tạo hệ lụy tiêu cực, khiến cả xã hội phải đợi chờ và trả giá với những hệ lụy “cộng hưởng” cả trước mắt và lâu dài, cả cấp vĩ mô lẫn vi mô, toàn diện cả về kinh tế-chính trị và xã hội; nhất là trực tiếp làm giảm hiệu lực, hiệu quả và uy tín trong quản lý nhà nước, giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư cả nước hoặc địa phương, vi phạm quyền lợi nhà đầu tư, doanh nghiệp và quyền, lợi ích hợp pháp của công dân- đối tượng quản lý nhà nước…
Công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ: Bước tiến mới
Với tinh thần đó, Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được ban hành theo Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 là một bước tiến trong quá trình hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước, đặc biệt là siết chặt hơn kỷ luật hành chính, giúp khắc phục bệnh chậm tiến độ và lỏng lẻo kỷ cương công vụ.
Bản quy chế công vụ này thực sự là bộ “quy tắc ứng xử” khá đồng bộ, tỉ mỉ, hệ thống quy trình, thời gian và địa chỉ triển khai, theo dõi, đôn đốc và chịu trách nhiệm thực thi các nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao.
Một trong các điểm nhấn nổi bật của Quy chế là yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) giao, bao gồm: Soạn thảo và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc cơ quan, người có thẩm quyền ban hành hoặc phê duyệt các đề án, báo cáo, dự án, văn bản hành chính; những nhiệm vụ cụ thể khác được giao thực hiện trong các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc công khai các kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) giao được quy định khá rõ ràng trong Quy chế cả về nội dung, thời gian, đối tượng thực hiện và các chế tài cần thiết điều chỉnh các vi phạm về thực hiện công khai này.
Về nội dung, Quy chế yêu cầu cần công khai tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ giao; những nguyên nhân gây chậm tiến độ, khó khăn và đề xuất cần thiết có liên quan để xử lý bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao (trừ nhiệm vụ được quản lý theo chế độ mật, không công khai trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi và trên Mạng dùng riêng của Chính phủ).
Về thời gian, thời hạn thông tin, báo cáo định kỳ theo quý là hợp lý, khi xác định thực hiện theo định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm hoặc đột xuất các kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Về chế tài, các bộ, địa phương và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quy chế này được biểu dương, khen thưởng theo quy định pháp luật hiện hành về thi đua khen thưởng.
Kết quả thực hiện Quy chế này là một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và bình xét các danh hiệu thi đua khen thưởng hàng năm của các bộ, cơ quan, địa phương và của cá nhân Thủ trưởng các cơ quan và cán bộ, công chức. Đây là quy định mới, tích cực lần đầu tiên có trong quy chế công vụ các cấp quản lý nhà nước.
Còn nhớ, ngày 6/8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành kèm theo Quyết định 1317/QĐ-TTg Đề án cải cách cơ chế phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả, thống nhất, thường xuyên, liên tục và có hệ thống giữa các bộ, cơ quan liên quan trong toàn bộ quá trình xây dựng, ban hành, triển khai thực hiện và đánh giá các cơ chế, chính sách, giải pháp, biện pháp quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là các chính sách tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại, giá cả và các chính sách khác liên quan.
Phân định rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan liên quan trong công tác phối hợp quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô.
Chủ động, linh hoạt, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các biến động kinh tế-xã hội trong và ngoài nước, góp phần tăng cường thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước…
Chỉ khi các bộ, cơ quan ở Trung ương là đơn vị chủ trì hay phối hợp thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao chủ động, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, cập nhật và công khai việc tổ chức, triển khai và tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, các cơ quan liên quan thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực được phân công tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai sót theo thẩm quyền... thì khi đó kỷ luật công vụ mới được thắt chặt, bảo đảm đúng thời hạn, yêu cầu, hiệu quả nhiệm vụ trong quản lý nhà nước.
Với tinh thần đó, có thể nói, Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014, cùng với Quyết định 1317/QĐ-TTg ngày 6/8/2013 và các văn bản liên quan trực tiếp và gián tiếp khác, là những bước tiến tích cực trên hành trình từng bước hoàn thiện và siết chặt hơn kỷ luật hành chính, giúp khắc phục bệnh chậm tiến độ và lỏng lẻo kỷ cương công vụ; nâng cao tính chủ động, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, cơ quan, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được liên tục, thông suốt; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như yêu cầu mục tiêu Quy chế đã đề ra.