Công khai quy hoạch trị sốt đất

Theo Thiên Bình/batdongsan.enternews.vn

Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương đăng tải công khai các đồ án quy hoạch nhằm hạn chế tình trạng “sốt đất” ảo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký Công văn số 4363/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị Việt Nam lên cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (tên miền www.quyhoach.xaydung.gov.vn ).

Nội dung thông tin đăng tải trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bao gồm: Quyết định phê duyệt; Bản đồ hiện trạng; Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; Bản đồ quy hoạch sử dụng đất; Bản đồ giao thông; Bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật; Thuyết minh tóm tắt…

Theo Bộ Xây dựng, đến nay, cơ bản các địa phương đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thựa hiện hoặc đăng tải với số lượng rất hạn chế.

Cụ thể, toàn quốc hiện có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải, với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch. Đồng thời, có 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải. Trong khi đó, nhiều được phương đăng tải với số lượng rất hạn chế chỉ 1 đồ án quy hoạch như An Giang; Khánh Hòa; Bắc Kạn; Bến Tre; Cao Bằng; Nghệ An; Sơn La,…

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện nay phần lớn người dân đều rất khó để tiếp cận được các thông tin về quy hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn, dù đây là yêu cầu bắt buộc đã được thể hiện trong Luật Đất đai hiện hành và các quy định pháp luật có liên quan khác.

Thực trạng này tồn tại ở ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cò” đất lợi dụng thông tin quy hoạch có được để thổi giá thời gian qua.

KTS. Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam chỉ rõ, một trong những “nguồn cơn” của những đợt sốt đất đang diễn ra khắp nơi trên cả nước đến từ việc “lập lờ”, chậm đưa thông tin về quy hoạch để đầu cơ, trục lợi. Bên cạnh đó cũng có những đề xuất quy hoạch khi được đưa ra đã nhanh chóng tạo ra việc sốt đất cục bộ nhưng ngay sau khi có thông tin đề xuất quy hoạch được “rút” thì giá đất vừa tăng nóng cũng rớt theo.

Theo KTS. Phạm Thanh Tùng để ngăn chặn sốt đất, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng cần hiểu đúng về quy hoạch, phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, đến lúc đó mới được mời nhà đầu tư vào. Đồng thời, người đứng đầu địa phương, các bộ phận chức năng phải chịu trách nhiệm khi các quy định về công khai, minh bạch quy hoạch không được thực hiện, dẫn đến các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá bất động sản.

Chia sẻ với DĐDN, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, công khai quy hoạch được coi là giải pháp mấu chốt để xóa bỏ những hệ lụy hiện tại như tình trạng điều chỉnh quy hoạch tự phát, xóa bỏ dự án treo.

“Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đã kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản, để người dân thuận tiện tra cứu thông tin. Cần quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch, môi giới bất động sản” – ông Đính khẳng định.

Khác với Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 đã kịp thời bổ sung một trong những nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai là “Xây dựng hệ thống thông tin đất đai” (khoản 9 điều 22). Tuy nhiên, dữ liệu giá đất trên toàn quốc đến nay vẫn chưa hình thành. Nhìn vào thực tế “nhiễu” thông tin, đặc biệt là tình trạng các quy hoạch treo vẫn hiện diện dai dẳng ngay trong lòng thành phố thì một mường tượng bi quan không phải là không có cơ sở.

Người dân cần hết sức thận trọng vì từ quy hoạch đến khi đi vào cuộc sống còn rất dài, vài năm hoặc thậm chí cả chục năm vì còn tùy theo kế hoạch ghi vốn, đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng thỏa đáng cho người dân. Nếu người dân đổ tiền vào đầu tư đất tại các khu vực đang sốt nhưng lại phải chờ đợi lâu dài, trong khi khả năng tài chính hạn chế, thậm chí đi vay ngân hàng và lo lãi suất... thì sẽ chịu thêm gánh nặng, chưa kể rủi ro khác.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP. Hồ Chí Minh)