Công nghiệp chế biến - Động lực chính cho sự khởi sắc của xuất khẩu


Động lực chính cho sự khởi sắc của xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7/2023 đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch tăng 1,1% so với tháng trước.

Với các biện pháp tích cực và đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất khẩu trong tháng 7/2023 có những tín hiệu tích cực.

Xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng

Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 7/2023, hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng 0,8% so với tháng trước, ước đạt 29,68 tỷ USD, là tháng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ hai kể từ tháng 11/2022 đến nay (chỉ thấp hơn kim ngạch xuất khẩu của tháng 3/2023, đạt 29,71 tỷ USD).

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,76 tỷ USD, giảm 1,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,92 tỷ USD, tăng 1,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 7 giảm 3,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 4,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 3,2%.

Trong tháng 7/2023, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng như: hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng...
Trong tháng 7/2023, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng như: hàng dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng...

Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, động lực chính cho sự khởi sắc của hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 7 đến từ nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch tăng 1,1% so với tháng trước, ước đạt 25,12 tỷ USD, chiếm 84,65% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong đó, xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chính có xu hướng tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước; dệt may đạt 3,2 tỷ USD, tăng 4,6%; giày dép các loại đạt 1,85 tỷ USD, tăng 4,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 5,5%; đặc biệt phương tiện vận tải và phụ tùng tăng tới 19,4%;...

Tuy nhiên, điện thoại các loại và linh kiện sau khi được đẩy mạnh xuất khẩu vào tháng trước đã giảm trở lại 10,2% trong tháng này, ước đạt 3,6 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 7/2023 ước đạt 369 triệu USD, tăng 8,7% so với tháng trước chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu dầu thô tăng 67,2%, ước đạt 224 triệu USD và xuất khẩu quặng và khoáng sản khác tăng 455%, ước đạt 55 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 7/2023 chững lại so với tháng trước (giảm 0,9%), nhưng vẫn tăng tới 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng này, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng 4,1% so với tháng trước, sắn và sản phẩm từ sắn tăng 45,7%, cao su tăng 38,4%, trong khi rau quả giảm 16,9%, hạt điều giảm 8,4%, hạt tiêu giảm 23,1%, gạo giảm 4,3%... So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng vẫn đạt mức tăng trưởng cao như: rau quả tăng 122,5%, hạt điều tăng 15%, cà phê tăng 37,4%, gạo tăng 14,4%...

7 tháng, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD

Mặc dù có những tín hiệu khởi sắc tích cực trong tháng 7/2023, tuy nhiên do những khó khăn chung của thị trường thế giới từ đầu năm nên tính chung 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 194,73 tỷ USD, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 51,5 tỷ USD, giảm 10,2%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 143,23 tỷ USD, giảm 10,8%, chiếm 73,6%.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu trong 7 tháng năm 2023: nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 2,4 tỷ USD, chiếm 1,23%; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 164,8 tỷ USD, chiếm 84,65%; nhóm hàng nông sản, lâm, thủy sản ước đạt 18,17 tỷ USD, chiếm 9,33%.

Nhìn chung so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu hầu hết nhóm hàng đều giảm: công nghiệp chế biến giảm 11,9%; nhiên liệu và khoáng sản giảm 16,4%; nông, lâm, thủy sản giảm 0,2%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực sụt giảm ở mức hai con số như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 18,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 10,4%; hàng dệt may giảm 15,1%; giày dép các loại giảm 17,1%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 26,2%; thủy sản giảm 25,4%; cao su giảm 18%...

Ngược lại, xuất khẩu các mặt hàng nông sản diễn biến khả quan với kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 68,1%, ước đạt 3,23 tỷ USD; gạo tăng 29,6%, ước đạt 2,58 tỷ USD; cà phê tăng 6%.

Trong 7 tháng năm 2023, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,6%.

"Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 7 tháng năm 2023, nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau", Bộ Công Thương cho biết.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 52,4 tỷ USD, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: thị trường EU ước đạt 25 tỷ USD, giảm 9,9%; ASEAN ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 9,6%; Hàn Quốc giảm 8,8%, ước đạt 12,9 tỷ USD; Nhật Bản ước đạt 13,03 tỷ USD, giảm 3,5%. Riêng thị trường Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta xuất khẩu với kim ngạch ước đạt 31,57 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tiếp tục đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng

Thời gian tới, dự báo tình hình thị trường thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức. Nhằm tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định FTA với Israel, ký kết các Hiệp định FTA, Hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định.

Bộ Công Thương cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…

Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Đồng thời tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của thị trường.

 

Do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 7/2023 tiếp tục xuất siêu khoảng 2,15 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 7 tháng năm 2023 là 15,23 tỷ USD, gấp hơn 11 lần so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm trước (xuất siêu 1,34 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,58 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 27,81 tỷ USD.

Theo Tạp chí Công thương