Công nghiệp hỗ trợ - chìa khóa để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
(Tài chính) Công nghiệp hỗ trợ được coi là ngành sản xuất nền tảng, xương sống của nền công nghiệp quốc gia. Trong một số ngành, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chiếm tới 80 đến 90% giá trị của sản phẩm chính, quyết định giá thành sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhưng theo Bộ Công thương, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở nước ta chưa tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hiện có năng lực quản lý hạn chế, nguồn vốn ít, dung lượng thị trường nhỏ... Vì vậy, nhiều cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư thiết bị, máy móc để sản xuất được sản phẩm đáp ứng yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ở nước ta hoặc xuất khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn bán ra nước ngoài. Đại diện Công ty TNHH 4P cho biết, một dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử có giá trị thấp nhất của doanh nghiệp là hơn 1 triệu USD, thậm chí có dây chuyền trị giá 10 triệu USD. Do đó, nếu sản xuất chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước thì phải bán giá cao mới bảo đảm hoàn vốn. Điều này buộc doanh nghiệp phải đưa ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu để có tính cạnh tranh cao về chất lượng và giá bán.
Những ví dụ nêu trên cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng vươn lên tiếp thu kỹ thuật, công nghệ, trình độ quản lý để trở thành các nhà cung ứng cho tập đoàn đa quốc gia. Nhưng theo Bộ Công thương, chỉ có một số rất ít nhà sản xuất trong nước có thể cung ứng linh phụ kiện đáp ứng nhu cầu khách hàng. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có quy mô vừa và nhỏ, năng lực sản xuất yếu kém, sản phẩm chủ yếu là linh kiện giản đơn, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị, công nghệ sản xuất lạc hậu... Do đó, nhiều doanh nghiệp hầu như không tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Và khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia với khả năng đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa khá lớn.
Năm 2013, kim ngạch nhập khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong các lĩnh vực máy tính, điện thoại, kim loại, dệt may, da giày... là hơn 53 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu những mặt hàng này trong năm 2014 dự kiến sẽ hơn 67 tỷ USD. Nếu trong nước tự chủ được một phần trong giá trị nhập khẩu này thì sẽ tạo việc làm, liên kết được với doanh nghiệp FDI, tiết kiệm được ngoại tệ... Đã có ý kiến cho rằng, với sản lượng 10 triệu điện thoại/tháng của SamSung Việt Nam hiện nay, nếu doanh nghiệp trong nước làm được một ốc vít hay cổng cắm USB thì đã có đầu ra rất lớn và có cơ hội trở thành nhà cung ứng linh kiện trong chuỗi giá trị toàn cầu.