Công nghiệp hỗ trợ điện hạt nhân sẽ “cất cánh”

Ngọc Thọ

(Taichinh) - Những năm lại đây, công nghiệp hỗ trợ cho các dự án trọng điểm về năng lượng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của một loạt các Tổng công ty lớn như: Tổng Công ty Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI)… Câu hỏi đặt ra là: Với dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1; Ninh Thuận 2… cơ hội nào sẽ dành cho các doanh nghiệp nội?

Lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà nghe giới thiệu về ứng dụng các phần mềm để quản lý, thiết kế các nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: FinancePlus.vn
Lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà nghe giới thiệu về ứng dụng các phần mềm để quản lý, thiết kế các nhà máy điện hạt nhân. Ảnh: FinancePlus.vn

Từ kỳ tích sông Đà

Nói tới công nghiệp hỗ trợ nhất là trong lĩnh vực năng lượng không thể không nhắc tới dự án Thủy điện Sơn La - Công trình Thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, được xem là kỳ tích và có sự đóng góp của những tập đoàn, tổng công ty xây lắp 100% thuần Việt.

Cụ thể, với công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 400 MW) nhờ sự tham gia của những nhà thầu trên, công trình đã về đích sớm 3 năm và tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tại công trình này, một kỷ lục về cường độ đắp đập bê tông đầm lăn ở Việt Nam đã được ghi nhận. Tổng thầu đã thành công trong việc mua sắm và lắp đặt kịp thời hệ thống trạm trộn, trạm làm lạnh năng suất 720 m3/h của Cộng hòa Liên bang Đức đồng bộ với hệ thống băng chuyền vận chuyển hỗn hợp bê tông đầm lăn của Nhật Bản. Đó là những thiết bị thi công hiện đại được sử dụng ở các công trình đập lớn trên thế giới. Cán bộ công nhân lành nghề sử dụng thành thạo công nghệ hiện đại, đã hoàn thành đắp đập bê tông đầm lăn 2,7 triệu m3 trong 32 tháng (1/2008 - 8/2010), sớm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quyết định đầu tư. Làm nên một kỷ lục về cường độ đắp đập bê tông đầm lăn ở Việt Nam: 8.000m3/ngày và 190.000m3/tháng, không thua kém gì cường độ đắp bê tông đầm lăn ở Trung Quốc (240.000m3/tháng) vốn có bước phát triển rất sớm so với ta.

Theo đánh giá của ông Thái Phụng Nê - Nguyên Bộ trưởng, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về năng lượng, thủy điện thì một trong số 6 điều kỳ diệu làm nên kỳ tích Thủy điện Sơn La chính là năng lực được chứng minh một cách rõ ràng qua từng hạng mục của các tổ hợp nhà thầu xây lắp.

Tới dấu ấn Ninh Thuận

Nếu như Thủy điện Sơn La là dự án tầm vóc cuối cùng của ngành điện Việt Nam trong lĩnh vực thủy điện và là dự án có sự tham gia tích cực, sâu rộng của công nghiệp hỗ trợ đi kèm thì Điện hạt nhân Ninh Thuận được xem là dự án đặc biệt cả về tính chất, quy mô, chiến lược . Cụ thể, tổng giá trị đầu tư cho Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 lên tới hàng chục tỷ USD. Điều đặc biệt ở đây đó là điện hạt nhân là ngành hoàn toàn mới mẻ, lạ lẫm.

Tin vui là vừa qua, dự án đã khởi công xây dựng hệ thống điện phục vụ thi công. Theo đó, công trình hệ thống cấp điện là một trong những công trình chính thuộc dự án hạ tầng phục vụ thi công các dự án nhà máy với nhiều công trình khác nhau như điện, nước, giao thông… Quy mô công trình gồm 1 đường dây 110 kV mạch kép dài 13,63 km có tuyến đi qua địa phận xã Phước Nam và xã Phước Dinh thuộc huyện Thuận Nam và xã Phước Hải thuộc huyện Ninh Phước; 1 trạm biến áp 110/22 kV công suất 25 MVA đặt tại thôn Sơn Hải 1 trong khu vực xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Các đơn vị như Công ty CP Someco Sông Đà, Công ty TNHH MTV Sông Đà 11 Thăng Long đã tham gia đấu thầu và được EVN lựa chọn để thực hiện việc cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp đường dây 110 kV và trạm biến áp 110 kV.

Ông Dương Khánh Toàn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Sông Đà cho hay: Chuẩn bị cho việc xây dựng Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Tổng công ty đã “dồn lực” trong việc nghiên cứu, triển khai quy hoạch, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực về thiết bị, công nghệ, xe máy thi công, củng cố và nâng cấp tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường; tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao quản trị doanh nghiệp để bảo đảm đủ các điều kiện tham gia xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với công nghệ hiện đại nhất. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú trọng khi Tổng công ty thường xuyên cử các cán bộ, chuyên viên, kỹ sư…đi đào tạo thực tập ngay tại các công trường xây dựng điện hạt nhân tận bên Nga. Tới thời điểm này, Tổng công ty Sông Đà đã cử trên 200 người cả kỹ sư, công nhân nhiều mảng, lĩnh vực đi học tập trực tiếp tại các công trường điện hạt nhân của xứ sở Bạch Dương này.

Còn với Tổng công ty lắp máy Việt Nam, những ngày đầu tháng 5 này, lớp đào tạo khóa 2 của Tổng công ty tại Nhật Bản đã hoàn thành cho các cán bộ giàu thực tế và kinh nghiệm. Những học viên được cử đi học thực tập công việc giám sát thi công tại Trung tâm đào tạo lao động ngoại vụ Nhật Bản - HIDA, Công ty HITACHI Plant Technologies (HPT) nhằm phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Lilama tại dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 về các nội dung: Xác định phương thức và lộ trình vận chuyển thiết bị; phương thức vận chuyển ống và các thiết bị tại mỗi khu vực khác nhau; trình tự lắp đặt thiết bị cơ, điện; kế hoạch lắp đặt dàn giáo; lập tiến độ tổng thể và tiến độ cho các hạng mục; lập kế hoạch nhân lực; kế hoạch cơ sở vật chất tạm thời theo mục đích từng dự án; quản lý QA/QC; quản lý an toàn cũng như hệ thống quản lý IT… Những nội dung này cũng chính là nền tảng cho việc triển khai các công nghệ vào lắp đặt tại nhà máy điện hạt nhân trong tương lai.

Như vậy, với năng lực thi công, xây lắp đã được chứng minh qua các dự án trong điểm trong thời gian qua: Thủy điện Sơn La, Thủy điện Lai Châu, các nhà máy lọc dầu, trung tâm nhiệt điện lớn… thì các doanh nghiệp thuộc công nghiệp hỗ trợ sẽ đứng trước cơ hội được “cất cánh” cùng với dự án điện hạt nhân.

Theo Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Nhà nước Rosatom – Nga thì ngoài một số thiết bị chuyên dụng chỉ sản xuất tại Nga như thiết bị chính của lò phản ứng (chiếm khoảng 25% giá trị nhà máy điện hạt nhân) thì các doanh nghiệp tại nước sở hoàn toàn có thể đảm nhiệm phần còn lại nếu đủ năng lực. Theo các chuyên gia về điện hạt nhân, thực tế, tại các nước đầu tư mạnh cho điện hạt nhân như Ấn Độ, Trung Quốc… thì mức độ nội địa hóa lên tới 40%.