TP. Đà Nẵng:

Công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát triển


Phát triển công nghiệp hỗ trợ được TP. Đà Nẵng xác định là 1 trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát triển góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào Thành phố.

Giá trị tăng thêm của công nghiệp hỗ trợ đạt 19.200 tỷ đồng

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nhìn nhận, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43/NQ-TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định vai trò quan trọng của Đà Nẵng về kinh tế - xã hội, văn hóa, an ninh - quốc phòng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, nhiều quốc gia đã chủ động xây dựng chiến lược và hoạch định chính sách tham gia vào nền kinh tế thế giới thông qua mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu, trong đó sản xuất, cung ứng hàng hóa từ công nghiệp hỗ trợ là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Theo Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng Lê Thị Kim Phương, phát triển công nghiệp hỗ trợ được xác định là 1 trong 3 lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, ưu tiên phát triển góp phần tạo lợi thế cạnh tranh để đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn vào thành phố.

Trên địa bàn Thành phố hiện có 110 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Giá trị tăng thêm (VA) của công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2011-2021 đạt 19.200 tỷ đồng, chiếm 20% VA toàn ngành công nghiệp. Tỉ trọng VA của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong toàn ngành công nghiệp tăng dần qua các năm, từ 17,1% năm 2011 lên trên 20,2% năm 2021.

Thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng trong năm 2022

Vì vậy, trong giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045, Thành phố sẽ dành sự quan tâm nhiều hơn đến phát triển công nghiệp. Những vấn đề lớn trong phát triển công nghiệp đều đã đưa vào quy hoạch chung TP. Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin.

Để công nghiệp hỗ trợ phát triển, TP. Đà Nẵng vừa đề nghị Bộ Công Thương sớm triển khai thành lập Trung tâm Kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng tại TP. Đà Nẵng trong năm 2022 theo nhiệm vụ đã được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ thành phố kết nối, thu hút đầu tư về công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu chuyển giao công nghệ trong công nghiệp hỗ trợ…

Trước đó, ngày 30/10/2020, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo nghị quyết này, mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp hỗ trợ của Thành phố có trên 150 doanh nghiệp, trong đó, có ít nhất 10% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng sản phẩm trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 30% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút ít nhất 1 công ty hoặc tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ của Thành phố có trên 300 doanh nghiệp, trong đó, có ít nhất 15% doanh nghiệp trong nước đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh; giá trị công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 40% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; trên mỗi lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thu hút được ít nhất 1 công ty hoặc tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2045, công nghiệp hỗ trợ của  Thành phố sẽ gia tăng số lượng các công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng; tăng tỷ lệ đóng góp của công nghiệp hỗ trợ vào giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tăng số lượng các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, cung ứng sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia và chuỗi giá trị toàn cầu.

Để đạt được các mục tiêu nói trên, Thành phố đề ra 5 nhóm giải pháp. Một là, là đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, ưu tiên công nghiệp hỗ trợ. Quán triệt, nâng cao nhận thức về chủ trương đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế Thành phố bền vững hơn, trọng tâm là đầu tư phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin và công nghiệp hỗ trợ.

Hai là, quy hoạch, hình thành các phân khu chức năng dành riêng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp mới. Khuyến khích hình thành các tổ hợp “không gian sáng tạo”, trong đó, ưu tiên nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mới. Hoàn thành và sớm đưa vào hoạt động Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để liên kết ngành, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và thu hút các dự án đầu tư phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Ba là, trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Trung ương, Thành phố sẽ ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, trong đó, có chính sách ưu đãi về mặt bằng, xử lý môi trường, chính sách đào tạo và thu hút lao động kỹ thuật bậc cao, chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư.

Bốn là, là nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của doanh nghiệp công hỗ trợ của Thành phố bằng cách tập trung nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo ưu tiên nhằm tạo sự bứt phá về hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ thông qua việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục đầu tư, đăng ký doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Củng cố và nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và các đơn vị có liên quan trong hoạt động tư vấn, hỗ trợ, liên kết doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia các hiệp hội cùng ngành trong khu vực và trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, thúc đẩy kết nối, tìm kiếm thị trường và hợp tác, phát triển.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)