Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần được hỗ trợ

Theo Báo Đại biểu Nhân dân (daibieunhandan.vn)

Trong chặng đua tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ gặp nhiều chướng ngại vật. Để vượt qua khó khăn, họ rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Khó khăn nhiều bề

Các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ đang gặp nhiều khó khăn, bởi đa phần có quy mô nhỏ và vừa nên khó phục hồi hơn sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Cần lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đạt tỷ trọng 5 - 10% tổng số doanh nghiệp vào năm 2025. Ảnh: Vũ Quang.
Cần lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đạt tỷ trọng 5 - 10% tổng số doanh nghiệp vào năm 2025. Ảnh: Vũ Quang.

Ông Lê Quý Khả - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện TOMECO cho biết, như các doanh nghiệp khác, từ nay đến sang năm, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp tục đối diện với sức ép từ tình hình tài chính, lạm phát trên thế giới có thể tác động tới Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc chính sách thường xuyên thay đổi cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Mặc dù những thay đổi của chính sách đa phần phù hợp, nhưng để bắt kịp doanh nghiệp cần có độ trễ song đây là điểm có thể tạo rủi ro. Ví dụ, với không ít doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, việc xây dựng nhà xưởng, mua máy móc thiết bị thường mất 2 - 3 năm, đến khi đi vào hoạt động lại không còn phù hợp với chính sách hiện hành sẽ rất khó cho doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội, một trong những khó khăn được phản ánh chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công lao động và những dịch vụ khác khá cao. Tổng Giám đốc Công ty Hikari P&T Vietnam Nguyễn Đức Cường cho biết, công ty của ông chuyên cung ứng linh phụ kiện ngành nhựa và ngành cơ khí. Doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng nhà máy đáp ứng được các đơn hàng cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật từ đối tác toàn cầu nhưng đang gặp khó khăn về kinh phí thuê mặt bằng…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tài chính và vấn đề đào tạo lao động, công nhân kỹ thuật có tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ… “Dù Nhà nước đã ban hành chính sách nhưng cơ chế cho vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng vẫn còn nhiều bất cập, khiến ưu đãi chưa đến được với các doanh nghiệp”, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cung ứng linh kiện, phụ kiện ngành điện công nghiệp, dân dụng tại Hà Nội chia sẻ.

Cần trợ lực từ Nhà nước

Các chuyên gia kinh tế và “người trong cuộc” cho rằng, để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển đòi hỏi phải có "trợ lực" của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (Hansiba) Nguyễn Hoàng đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện và trình Quốc hội ban hành dự án Luật Phát triển công nghiệp. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đạt tỷ trọng 5 - 10% tổng số doanh nghiệp vào năm 2025.

Cũng theo Chủ tịch Hansiba, việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không thể dàn trải, mà cần quy hoạch thành từng vùng kinh tế cụ thể, phải làm rõ vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành gì… Đặc biệt, các doanh nghiệp cũng mong muốn có gói giải pháp cấp thiết, đặc thù về vốn vì hiện nhiều điều kiện trong vay vốn về lãi suất, tài sản bảo đảm... vẫn là trở ngại với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Có thể nghiên cứu thành lập quỹ tài chính riêng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ dưới dạng quỹ mở để thu hút nhiều nguồn lực cả trong và ngoài nước, ông Nguyễn Hoàng đề xuất.

Ông Lê Quý Khả kiến nghị, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề cần giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin nhanh chóng, nắm bắt chính sách kịp thời. Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của những ngành công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi độ chính xác cao và xu hướng dịch chuyển công nghệ từ các nhà máy sản xuất đa quốc gia đến Việt Nam cũng cần được chú trọng.

Cùng quan điểm, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Trần Thị Lan Anh cho rằng, dù đã có các nghị định, thông tư về phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhưng các doanh nghiệp trong ngành này vẫn cần một luật riêng để được hỗ trợ nhiều hơn, giúp các chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Ngoài ra, theo bà Lan Anh, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cũng cần nâng cao năng lực, công nghệ để tránh phụ thuộc, liên kết phát triển trở thành doanh nghiệp đầu chuỗi, không chỉ dừng lại ở việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.