Công nghiệp Việt Nam và hội nhập: Nắm bắt cơ hội
Ngành công nghiệp có vai trò quan trọng, then chốt và là động lực để phát triển kinh tế. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, việc chọn ngành, lĩnh vực để ưu tiên phát triển không thể do một trung tâm chỉ huy hay Nhà nước tự nghĩ ra, mà các doanh nghiệp phải tham gia cạnh tranh toàn cầu để vào được chuỗi giá trị gia tăng đó mới là yếu tố quyết định.
Mở rộng hợp tác quốc tế
Theo Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải, với các Hiệp định kinh tế đã và sắp ký kết, cùng với lộ trình cắt giảm thuế quan khi tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đang có cơ hội nâng cao cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường truyền thống và lớn nhất của Việt Nam, đồng thời, cũng là những thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới.
Ông Hải nhấn mạnh, việc mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế chính là cơ hội để doanh nghiệp trong ngành công nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, từ đó, các sản phẩm công nghiệp có thể sản xuất và xuất khẩu sẽ trở nên đa dạng hơn về chủng loại, chất lượng sản phẩm cũng cao hơn.
Ngoài ra, nguồn vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, trong đó chủ yếu là đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - cũng được xem như một yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia và ký kết các Hiệp định như TPP, FTA Việt Nam - EU. Theo đại diện Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công thương, tính đến nay, đầu tư trực tiếp của các nước TPP vào Việt Nam đạt hơn 100 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng lượng vốn FDI của Việt Nam.
Dòng vốn từ nhiều nước thành viên TPP có trình độ phát triển cao có thể mang lại những lợi ích lan tỏa đáng kể về công nghệ và kỹ năng quản lý, hay các lĩnh vực dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ, cũng là một yếu tố thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp nói chung và hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nói riêng.
Phát triển ngành tiềm năng
Một thực tế là so với các nước tham gia TPP, Việt Nam có trình độ thấp hơn. Đây sẽ là thách thức lớn đối với toàn bộ nền kinh tế. TPP sẽ đặt các ngành trước sự cạnh tranh bình đẳng đối với các doanh nghiệp lớn, nhiều kinh nghiệm đến từ các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Australia, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn cả ở thị trường nước ngoài.
Đối với các ngành xuất khẩu như dệt may, da giày, thách thức là tận dụng cơ hội giảm thuế, vượt qua các biện pháp kỹ thuật cũng như các quy định về quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, kèm theo đó là việc các nhà cung cấp nước ngoài với tiềm lực tài chính lớn mạnh, có kinh nghiệm quản lý, thương hiệu và danh tiếng lâu năm từ các quốc gia trong TPP ồ ạt vào Việt Nam. Như vậy, Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần sẽ bị thu hẹp, thậm chí xảy ra nguy cơ mất thị phần nội địa và doanh nghiệp yếu kém sẽ bị đào thải.
Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế từ TPP. Các chính sách cần tập trung nâng cấp năng lực, công nghệ, đa dạng hóa và đổi mới sản phẩm, thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong các ngành, tăng cường hợp tác dài hạn với các đối tác tiềm năng trong lĩnh vực tương ứng.
Đồng tình với quan điểm này, theo GS. Nguyễn Quang Thái - Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, việc chọn ngành nào, lĩnh vực nào để ưu tiên phát triển không thể do một trung tâm chỉ huy hay Nhà nước tự nghĩ ra, mà các doanh nghiệp phải tham gia cạnh tranh toàn cầu để vào được chuỗi giá trị gia tăng đó mới là yếu tố quyết định. Nhà nước chỉ đóng vai trò hoạch định chính sách và đưa ra dự kiến ban đầu, còn bản thân thị trường mới là nơi sàng lọc và đánh giá hiệu quả của lĩnh vực đó.
Đơn cử, lĩnh vực dệt may có thể phát triển mạnh hơn khi tham gia TPP do thị trường được mở rộng và các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh từ chính những lợi thế thương mại đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp khác lại gặp khó khăn, nhất là ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, sau nhiều năm hưởng ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu về tỷ lệ nội địa hóa đã không hoàn thành mục tiêu đề ra.
Có thể thấy, cơ hội và thách thức luôn đan xen trong sân chơi thương mại toàn cầu, một điều chắc chắn là chỉ có những doanh nghiệp với sự chuẩn bị tốt mới có thể đi đến thành công.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định, khi tham gia TPP, thách thức không nhỏ cho lĩnh vực công nghiệp là nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về các hiệp định thương mại tự do; bên cạnh đó, cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực. Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.