Công nghiệp hỗ trợ: Tận dụng hiệu quả các cơ chế ưu đãi
Những năm qua, Chính Phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tạo “cú hích” cho ngành này phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hội nhập, vấn đề trọng tâm hiện nay đối với công nghiệp hỗ trợ không chỉ là nguồn vốn mà chính là làm thế nào để tận dụng hiệu quả hàng loạt những cơ chế ưu đãi từ trung ương đến địa phương, nhằm cạnh tranh tối đa với khối ngoại.
Chính sách ưu đãi thực sự sát sườn đối với công nghiệp hỗ trợ
Trong nhiều năm trở lại đây, từ khi Chính phủ xác định ưu đãi lãi suất thấp cho 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên thì nhóm các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thực sự đón nhận sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả về nguồn vốn từ hệ thống NH. Tính đến thời điểm này, dư nợ cho vay vào 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên, trong đó có 2 nhóm gần gũi nhau là công nghiệp hỗ trợ và DNNVV chiếm tới 56% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Theo đó, tính đến nay có thể nói khối DNNVV nói chung và nhóm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nói riêng gần như đang bắt đầu nhận được sự quan tâm mạnh mẽ. Nguồn tài chính cho các công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ hiện nay đã được hỗ trợ bằng ngân sách và nguồn vốn giá rẻ của các NHTM.
Trong thời gian qua, những chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực này đã phát huy hiệu quả tối đa. Có được kết quả này chính là nhờ sự kết hợp các chính sách hỗ trợ tín dụng của Trung ương và địa phương đã giúp nguồn vốn vay chảy mạnh hơn vào khối DN ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh được đánh giá là địa phương tiên phong “hâm nóng” những chính sách ưu đãi tài chính đối với nhóm DN được cho là mũi nhọn trong bối cảnh hội nhập quốc tế. UBND TP. Hồ Chí Minh đã và đang quyết liệt trong việc tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu đầu tư trên địa bàn thành phố. Theo đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được đưa vào tâm điểm để triển khai các ưu đãi về thuế, tiếp cận nguồn vốn và lãi suất.
Cụ thể, các dự án đầu tư vào lĩnh vực cơ khí, cao su - nhựa, chế biến lương thực thực phẩm, điện tử - công nghệ thông tin, dệt may và da giày sẽ được hỗ trợ cho vay 70-85% nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Toàn bộ lãi suất khoản vay sẽ được ngân sách hỗ trợ 100% trong vòng 7 năm từ ngày giải ngân lần đầu.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ từ Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ, các NHTM trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng đã cùng vào cuộc với các hợp tác ban đầu mang dấu hiệu tích cực, mở ra nhiều cơ hội cung ứng vốn sâu rộng cho nhóm DN lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, trong Kế hoạch phát triển CNHT giai đoạn 2016-2020, địa phương đã đưa ra những ưu đãi khá cụ thể đối với 4 nhóm ngành CNHT là: cơ khí – điện tử - công nghệ thông tin; hóa chất – nhựa – cao su; chế biến lương - thực phẩm và dệt may – da giày.
Theo đó, từ năm 2016, các DN thuộc 4 nhóm lĩnh vực này sẽ được ngân sách địa phương cấp bù 50-100% lãi suất vay vốn đầu tư từ các NHTM. Nếu DN nào chủ động chuyển đổi từ sản xuất gia công sang tự chủ về thiết kế thương hiệu còn được hưởng thêm các chính sách ưu đãi lãi suất 100% khi vay vốn triển khai các dự án thiết kế sản phẩm mới.
Chủ động thay đổi để đón vốn
Gần đây các nhà kinh tế bắt đầu nhắc đến đổi mới mô hình tăng trưởng và người ta cũng nhận thấy sự cạn kiệt tiềm năng tăng trưởng. Nhiều quan điểm ủng hộ việc thay đổi bắt đầu bằng chủ động nguyên phụ liệu và tạo lập một nền công nghiệp hỗ trợ để nâng cao hiệu quả nền kinh tế. Để làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phải chủ động thay đổi để đón vốn.
Như vậy, đến thời điểm hiện nay, hầu như các chính sách ưu đãi tín dụng đều đang hướng rất mạnh vào khối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Vấn đề là khả năng vay được vốn trên thực tế như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng đổi mới và thích ứng của các DN CNHT hiện hữu.
Bởi tính đến thời điểm hiện nay, mặc dù cả nước có tới gần 600 ngàn DNNVV (trong đó một tỷ lệ lớn hoạt động trong lĩnh vực CNHT) nhưng đa số các DN nhóm này đều có nguồn lực tài chính hạn chế. Trong khi đó, khoảng 75% máy móc, thiết bị và công nghệ đều đã lỗi thời, cần thay đổi.
Ngoài ra, các DNNVV cũng chưa chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao và hoàn thiện hệ thống kế toán – tài chính do vậy các phương án sản xuất kinh doanh chưa thuyết phục được các TCTD khi thẩm định để cho vay vốn đầu tư.
Để gia tăng khả năng tiếp cận vốn vay, chính vì thế bản thân các DNNVV cần có chiến lược đầu tư dài hạn cho hoạt động tái cấu trúc, tranh thủ các hỗ trợ tài chính để đổi mới công nghệ, đổi mới phương pháp quản trị. Từ đó mới có cơ sở để phát triển các dự án sản xuất – kinh doanh mang tính khả thi cao, hấp dẫn được sự đầu tư từ các TCTD và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay cũng như nguồn hỗ trợ từ ngân sách.