Công tác quản lý, điều hành giá giúp kiểm soát lạm phát hiệu quả

Bảo Thương

Nhận định về các yếu tố tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, xu hướng tăng giá diễn ra vào các tháng Tết, nhưng sang tháng 3/2023 CPI đã quay đầu giảm kéo dài đến hết tháng 4/2023 và có xu hướng tăng nhẹ trở lại 2 tháng kế tiếp. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ cũng là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.

Nhóm hàng thực phẩm, giải trí và du lịch tăng theo quy luật tăng giá vào dịp tết.
Nhóm hàng thực phẩm, giải trí và du lịch tăng theo quy luật tăng giá vào dịp tết.

Nhận diện những yếu tố tác động

Theo Cục Quản lý Giá, để nhìn nhận rõ các yếu tố tác động đến CPI trong nước thời gian qua, có thể chia ra thành hai nhóm, bao gồm những yếu tố làm tăng áp lực và những yếu tố làm giảm áp lực lên CPI.

Trước hết, đối với các yếu tố chính làm tăng CPI, Cục Quản lý Giá cho biết, bao gồm giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, giải trí và du lịch, các mặt hàng thực phẩm, điện và gạo. Trong số các mặt hàng này có nhóm mặt hàng tăng theo quy luật tăng giá vào dịp lễ, Tết đầu năm, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 như thực phẩm, giải trí và du lịch; có nhóm mặt hàng tăng theo diễn biến giá thế giới như vật liệu xây dựng, gạo và cuối cùng là mặt hàng do Nhà nước quản lý là mặt hàng điện.

Cụ thể, đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo, 6 tháng đầu năm 2023, nhiều địa phương tiếp tục giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021- 2022, đồng thời, miễn giảm học phí theo Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 10/12/2022 về học phí của các cơ sở giáo dục và đạo tạo công lập năm học 2022-2023. Tuy nhiên, cũng có một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021- 2022.

Về mặt hàng vật liệu xây dựng, thị trường trong nước có sự diễn biến trái chiều về giá. Theo đó, giá các mặt hàng như thép sau khi tăng trong quý I/2023 đã quay đầu giảm trong quý II/2023, giá xi măng tương đối ổn định; giá cát, đá xây dựng tăng do nhu cầu tăng, giá cát tăng bình quân 1,52% hàng tháng, giá đá tăng 2,7% hàng tháng (theo số liệu của Bộ Xây dựng báo cáo).

Nguyên nhân việc cát, đá xây dựng tăng là nhu cầu sử dụng loại vật liệu cho các công trình giao thông đang thi công ở các khu vực trên cả nước, đặc biệt là các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn II khu vực miền Trung và miền Nam.

Các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng là một trong những yếu tố tác động tăng CPI,  mặc dù cũng có những thời điểm biến động tăng như vào dịp lễ, Tết nhưng nhìn chung vẫn được kiểm soát do nguồn cung đảm bảo, thời tiết thuận lợi.

Ngoài ra, "góp mặt" trong nhóm các yếu tố tác động tăng CPI 6 tháng đầu năm phải nói đến mặt hàng điện. Do tác động của việc điều chỉnh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhu cầu sử dụng điện tăng trong dịp Tết, mùa hè năng nóng nên giá điện sinh hoạt tăng 3,12% và tác động làm CPI tăng 0,1% (theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố).

Giá nhiên liệu là xăng dầu và gas có biến động phức tạp theo giá thế giới. 
Giá nhiên liệu là xăng dầu và gas có biến động phức tạp theo giá thế giới. 

Về các yếu tố chính làm giảm CPI, theo Cục Quản lý Giá, các yếu tố này bao gồm giá nhiên liệu là xăng dầu và gas. Đây là các mặt hàng có biến động phức tạp theo giá thế giới và từ đầu năm đến nay đối với mặt hàng xăng dầu đã cho thấy xu hướng giảm sự tác động của Nhà nước trong việc bình ổn giá mặt hàng này.

Tính đến ngày 29/6/2023 liên Bộ Công Thương – Tài chính đã có 17 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó các mặt hàng xăng có 3/17 lần điều chỉnh và mặt hàng dầu madut chỉ có 1/17 lần chi sử dụng Quỹ bình ổn giá.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, giá dầu hỏa giảm 8,94% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước giảm 18,27% theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,66%.

Đặc biệt, việc giảm giá xăng dầu theo diễn biến giá thế giới còn có sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa, đó là ngày 30 /12/2022 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, cụ thể: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 40% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa, thời gian thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023.

Hiệu quả từ công tác quản lý, điều hành giá 

Theo Cục Quản lý Giá nhấn mạnh, bên cạnh yếu tố làm tăng/giảm CPI nêu trên, phải nói đến công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ là một trong những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã có các văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm ổn định lại và hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm an sinh xã hội.

Nhờ đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, diễn biến theo đúng với kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.

Với các diễn biến kinh tế, lạm phát toàn cầu không tích cực trong khi giá cả thị trường, lạm phát trong nước đang được kiểm soát tốt theo mục tiêu cho thấy Chính phủ Việt Nam đã và đang quản lý, điều hành giá đúng hướng trên cơ sở kinh nghiệm kiểm soát lạm phát qua các năm cũng như sự nỗ lực vào cuộc của cả Chính phủ và doanh nghiệp, người dân trong việc phục hồi kinh tế, khiến cho nguồn cung nhiều hàng hóa thiết yếu được đảm bảo giúp ổn định mặt bằng giá.

 

Đề cập đến các nhân tố kiềm chế mức tăng CPI trong 6 tháng đầu năm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, đã có sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm.