Nhiều yếu tố sẽ kiềm chế lạm phát trung bình năm 2023

Bảo Thương

Các chuyên gia kinh tế nhận định, tổng cầu yếu, cung tiền tăng trưởng chậm, lãi suất thực cao, tỷ giá và giá dầu khó tăng mạnh là những yếu tố sẽ kiềm chế lạm phát trung bình trong năm 2023 ở mức dự báo khoảng 2,5% và cho rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay sẽ được hoàn thành.

Chủ toạ hội thảo.
Chủ toạ hội thảo.

Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp

Sáng 4/7/2023, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023”. 

Khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, hội thảo này được tổ chức nhằm phân tích rõ hơn diễn biến của thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2023, những yếu tố cơ bản, những nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường trong thời gian qua.

Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều, kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; nhiều nền kinh tế lớn trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái. Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm khá mạnh, đặc biệt là giá các mặt hàng năng lượng, phân bón...

Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt, thêm vào đó là sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức.

“Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp”,  PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều nêu.

Cụ thể, GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011-2023; CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, đây là mức tăng CPI bình quân 6 tháng so với cùng kỳ năm trước thấp hơn của các năm 2014, 2017 và 2020, nhưng cao hơn hoặc bằng so với của các năm còn lại trong giai đoạn 10 năm 2014-2023; Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2023 tăng 4,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2022 (cao nhất trong giai đoạn 2014 - 2023)...

Tham luận tạị hội thảo về diễn biến lạm phát 6 tháng đầu năm 2023 và dự báo cả năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, sự suy giảm mạnh của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 xuất phát từ những nguyên nhân chủ yếu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu); Tăng trưởng cung tiền cũng thấp, tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn thời kỳ xảy ra dịch bệnh COVID-19...

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo. 
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Thiều – Phó Giám đốc Học viện Tài chính phát biểu khai mạc hội thảo. 

Dự báo lạm phát cả năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh, các yếu tố về cung tiền, lãi suất và tổng cầu nêu trên không chỉ khiến lạm phát giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm. Đồng thời, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá giống năm 2022 cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát.

“Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2023 được dự báo sẽ ở mức 1,7% và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay sẽ được hoàn thành”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính Nguyễn Đức Độ nhận định.

Chuyên gia Nguyễn Ngọc Tuyến – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nêu ý kiến tại hội thảo, dự báo CPI 6 tháng cuối năm và diễn biến cả năm 2023 sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như: Dự báo về kinh tế thế giới sẽ ngày càng tốt lên so với tình hình hiện tại; tăng lương cho người lao động từ 1/7 sẽ tác động tới tăng CPI của 6 tháng cuối năm 2023; Giá xăng dầu và các nhiên liệu khác sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, không có nhiều tác động tiêu cực tới CPI của Việt Nam...

Đặc biệt, theo vị chuyên gia này, chính sách tài khóa và tiền tệ điều hành theo hướng kích thích tăng trưởng (giảm thuế giá trị gia tăng 2% để khuyến khích tiêu dùng; giảm phí trước bạ, đặc biệt đối với ô tô; giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô; hạ thấp lãi suất tín dụng ngân hàng; ưu đãi cho vay đối với một số lĩnh vực kinh doanh...) sẽ tác động tới việc ổn định giá cả thị trường trong thời gian 6 tháng cuối năm 2023.

“Với một số những yếu tố trên, khả năng CPI bình quân cả năm 2023 sẽ biến động ở mức khoảng 2,5 - 3%”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Tuyến dự báo.

Kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước

Tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý Giá cho biết, nếu như trong nửa đầu năm nay giá cả, lạm phát thế giới ở mức cao, thì thị trường trong nước cơ bản ổn định, lạm phát đang được kiểm soát theo đúng kịch bản của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ.

Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Những tháng cuối năm, thị trường trong nước cũng đã xuất hiện một số yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá như lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023; giá cả hàng hóa, dịch vụ, du lịch tiếp đà phục hồi trở lại; giá sách giáo khoa các bộ mới và một số mặt hàng do Nhà nước định giá thực hiện điều chỉnh sau khi đã được đánh giá tác động đến CPI.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sự thuận lợi cho kiểm soát lạm phát trong nước đến từ giá xăng dầu thế giới dự báo vẫn tiếp tục giảm hoặc ổn định; nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào trong khi sức mua cùng với chi phí vận chuyển giảm.

Theo Cục Quản lý Giá, lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2023 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát”, đồng thời cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023. Cục Quản lý giá cho rằng, với tốc độ tăng CPI như 6 tháng đầu năm thì dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần.  

Đáng chú ý, đại diện Cục Quản lý Giá nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, các yếu tố biến động phức tạp của giá hàng hóa trọng yếu thế giới như nguyên nhiên vật liệu và các dự báo giá một số hàng hóa dịch vụ trong nước, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt và thực hiện tốt công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá; cùng với đó, sự chủ động cũng phải tiếp tục đến từ các Bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quản lý giá theo thẩm quyền.

Theo đó, cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng Nhà nước quản lý; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra; triển khai xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Giá (sửa đổi) để hoàn thiện cơ chế quản lý điều hành giá đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về giá trong tình hình mới…

Đặc biệt, Cục Quản lý Giá cho hay, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

 

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị, Bộ Tài chính cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định và phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

Tại hội thảo, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính khuyến nghị, để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát cần thực hiện tốt một số biện pháp.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng GDP quý II năm 2023 đã tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, là tốc độ tăng thấp trong nhiều năm. Do vậy, rất cần thúc đẩy mức tăng trưởng hoạt động xuất nhập khẩu, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp ổn định tâm lý, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý".

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân.

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung về diễn biến thị trường giá cả ở Việt Nam thời gian qua và dự báo thời gian tới; những yếu tố chủ yếu tác động đến giá cả thị trường ở Việt Nam năm 2023; diễn biến thị trường, giá cả một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung ở Việt Nam; giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá cả, tổ chức thị trường phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam…