TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính:
Có thể hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023
Trao đổi với phóng viên về diễn biến lạm phát 6 tháng đầu năm 2023 và dự báo cả năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) nhận định, lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ vào khoảng 2,5%, khó vượt qua mức 3%, do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm 2023 là có thể hoàn thành.
Phóng viên: Ông có đánh giá thế nào về tình hình lạm phát 6 tháng đầu năm 2023, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Độ: GDP 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72% so với cùng kỳ năm trước, điều này tức là tổng cầu yếu từ đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu... đã dẫn đến lạm phát 6 tháng đầu năm giảm mạnh.
Như chúng ta biết, sau thời điểm dịch bệnh COVID-19, nguồn dự trữ của người dân sụt giảm dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước bị giảm đi nhiều. Ở nước ngoài, chi tiêu của nhiều người dân ở các nước giàu cũng chậm lại.
Về yếu tố cung tiền, 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,53%, thấp hơn thời kỳ dịch bệnh. Nguyên nhân khiến cung tiền tăng trưởng chậm một phần là do năm 2022, Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, sang đến năm nay thì do tổng cầu yếu nên nhiều doanh nghiệp cũng không muốn vay, thậm chí trả nợ trước hạn để giảm chi phí. Một số doanh nghiệp có nhu cầu vay cao thì có một số ngân hàng thương mại lo ngại nợ xấu nên không cho vay. Đó chính là lý do khiến tiền tệ chậm lại, làm cho lạm phát giảm.
Cùng với đó là yếu tố lãi suất. Thời điểm hiện tại, lãi suất của chúng ta là cao nhất kể từ năm 2013 đến nay. Lãi suất thực là khoảng 6,9% trong khi mức trung bình của giai đoạn 2013-2021 là khoảng 4,6%. Tăng trưởng GDP trung bình trong giai đoạn 2013-2021 là 5,9%, như vậy lãi suất thực đã cao hơn rất nhiều so với mức trung bình cũng như mức tăng trưởng GDP trung bình của cả một giai đoạn dài. Mức lãi suất thực này không khuyến khích đầu tư, không khuyến khích tiêu dùng, dẫn đến tổng cầu yếu. Với những nguyên nhân như vậy, lạm phát 6 tháng đầu năm chậm lại.
Phóng viên: Ông dự báo lạm phát cả năm 2023 sẽ ở mức nào, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Độ: Về dự báo, tôi cho rằng, các điều kiện để kiểm soát lạm phát ở mức thấp là rất thuận lợi bởi những yếu tố như tôi nói ở trên: tổng cầu yếu, cung tiền tăng chậm, lãi suất cao. Thêm vào đó, giá dầu suy giảm vì phía trước là nguy cơ suy thoái toàn cầu cho nên nhu cầu dầu mỏ không cao. Tỷ giá ổn định, thuận lợi trong kiểm soát tỷ giá, chúng ta xuất siêu 12 tỷ USD, nên nguồn lực này giúp ổn định tỷ giá.
Tất nhiên, còn phụ thuộc vào chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Nếu Ngân hàng Nhà nước tung tiền mạnh vào 6 tháng cuối năm để mua USD vào thì tỷ giá có thể biến động theo hướng đi lên. Theo tôi, khả năng này không nhiều và Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tỷ giá theo hướng mong muốn.
Xu hướng chung là cả lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình sẽ giảm dần. Lạm phát so với cùng kỳ sẽ xoay quanh mức 1,5%, trong trường hợp kinh tế thế giới suy thoái, giá dầu giảm mạnh thì có thể ở mức 1% hoặc thấp hơn. Còn lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ vào khoảng 2,5%, khó vượt qua mức 3%, do đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% trong năm nay là có thể hoàn thành.
Phóng viên: Với dự báo như ông vừa đề cập thì các cơ quan quản lý cần lưu ý gì để tiếp tục đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, thưa ông?
TS. Nguyễn Đức Độ: Với bối cảnh hiện nay, cần tập trung toàn lực vào phục hồi kinh tế. Như các chuyên gia đã nhấn mạnh, đầu tư công cần đẩy nhanh hơn, giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục, pháp lý. Còn về lãi suất, tôi cho rằng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất.
Tình hình của nước ta hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do nguồn dự trữ không còn nhiều như trước nữa, vì vậy cần triển khai các giải pháp cấp bách. Đặc biệt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công bao nhiêu thì vào tăng trưởng GDP bấy nhiêu.
Vừa qua, Quốc hội đã quyết định giảm thuế giá trị gia tăng cho nhiều nhóm mặt hàng, có thể thấy rằng các giải pháp giảm thuế hiện nay là phù hợp và tác động nhanh đến người dân và doanh nghiệp. Khi giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp cho chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm giảm, các doanh nghiệp có thể giảm giá bán, góp phần kiểm soát lạm phát.
Ngoài ra, khi giá thành giảm thì sức mua của người dân có thể cải thiện. Theo tôi, còn nhiều dư địa để chúng ta có thể nới lỏng các chính sách tài khoá.
Phóng viên: Theo ông, tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ ra sao? Liệu có thể đạt được mức tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra không?
TS. Nguyễn Đức Độ: Để đạt mức tăng trưởng 6,5% khó khả thi, tăng trưởng 6 tháng cuối năm phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: Thứ nhất, nền kinh tế thế giới có rơi vào suy thoái không, còn nếu các nước vẫn phát triển như hiện tại thì nền kinh tế nước ta sẽ phục hồi; Thứ hai là phụ thuộc vào giải pháp về tiền tệ - tài khóa của Chính phủ.
Nếu chúng ta đẩy mạnh đầu tư công thì sẽ tăng trưởng cao hơn. Theo tôi dự báo, khả năng GDP năm 2023 xoay quanh mức 5,5%.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!