Công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật tài chính ngày càng đồng bộ, khả thi và minh bạch
Bộ Tài chính vừa có Công văn số 5879/BTC-PC gửi Bộ Tư pháp báo cáo tình hình thực hiện Chỉ số cải thiện các quy định của pháp luật 6 tháng đầu năm 2023.
Tạo chuyển biến căn bản trong nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tài chính
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật tài chính, Bộ Tài chính cho biết, Lãnh đạo Bộ đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về đề xuất, lập chương trình xây dựng pháp luật, nghiên cứu, đánh giá tác động chính sách... Nhờ đó, hiệu quả công tác này ngày càng được nâng cao.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2023, được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật tài chính đạt được nhiều kết quả tích cực. Triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo những định hướng và giải pháp đồng bộ đã tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật tài chính, đáp ứng các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi và công khai minh bạch.
Qua đó, góp phần thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cũng như tác động tích cực đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đối phó linh hoạt với các thách thức do khủng hoảng kinh tế đặt ra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, Bộ Tài chính nhấn mạnh, công tác hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính cũng đã tiếp cận được các thông lệ quốc tiếp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và góp phần hiện đại hóa quản lý tài chính, đảm bảo yêu cầu về cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đánh giá về một số kết quả đạt được, Bộ Tài chính cho biết, đối với đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ đã có Công văn số 2952/BTC-TCDN gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sau khi đã hoàn thiện để làm thủ tục bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội. Bộ Tài chính cho biết, sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về nội dung dự án Luật, cùng với việc quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đủ điều kiện.
Đối với đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có, Bộ Tài chính đã có Công văn số 4109/BTC-PC gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết để báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thương vụ Quốc hội đăng ký bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số nội dung, hoàn thiện hồ sơ và trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 6 hoặc vào thời điểm thích hợp.
Với đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, Nghị quyết này đã được xem xét điều chỉnh, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, với thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Ban hành các thông tư đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục
Liên quan đến kết quả xây dựng, ban hành văn bản quy pháp pháp luật, Bộ Tài chính cho biết, từ ngày 16/11/2022 đến hết ngày 15/5/2023, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 nghị định và 02 quyết định, đồng thời đã ban hành theo thẩm quyền 41 thông tư.
Bộ Tài chính đã kiểm tra 41 thông tư do Bộ ban hành, kết quả kiểm tra cho thấy, các thông tư này đều được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục, nội dung phù hợp với quy định của văn bản cấp trên và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được đẩy mạnh theo hình thức Hội đồng để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Từ ngày 16/11/2022 đến hết ngày 15/5/2023, Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đã tổ chức thẩm định 41 thông tư do các đơn vị thuộc Bộ chủ trì soạn thảo.
Bên cạnh đó, theo phân công của Thủ tướng, Bộ Tài chính được giao chủ trì soạn thảo 06 văn bản, trong đó có 03 nghị định, 03 thông tư để quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Đáng chú ý, công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật cũng như công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật ngày càng được tăng cường. Bộ Tài chính nhận định, năng lực phản ánh chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp ngày càng được chú trọng. Hơn nữa, việc đối thoại với người dân, doanh nghiệp về những vướng mắc trong thực thi chính sách pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời.
Về kết quả rà soát thường xuyên, Bộ đã ban hành Quyết định số 73/QD-BTC về kế hoạch triển khai nhiệm vụ rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính năm 2023. Trên cơ sở Kế hoạch của Bộ, các đơn vị Tổng cục thuộc Bộ đã ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật để làm cơ sở tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống. Bộ Tài chính triển khai công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, địa phương ban hành có liên quan đến lĩnh vực tài chính; kiểm tra văn bản theo chuyên đề và kiểm tra thực hiện văn bản...
Để cải thiện hơn nữa công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật tài chính, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan; đổi mới, cải tiến về quy trình, cách làm... Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo phải chủ động phối hợp sớm với các đơn vị có chức năng liên quan thuộc Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội để triển khai thực hiện nhiệm vụ soạn thảo. Các cơ quan này cần tham gia ngay từ đầu trong quá trình soạn thảo, thảo luận, cho ý kiến vào dự thảo.
Đặc biệt, Bộ Tài chính đề nghị phải đa dạng hóa các hình thức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác soạn thảo văn bản.