Công ty Mỹ ở Trung Quốc tìm đường “lánh nạn”

Theo TTXVN

Hơn 70% các công ty Mỹ đang có hoạt động tại khu vực miền Nam Trung Quốc đang cân nhắc trì hoãn mở rộng đầu tư do cuộc chiến thương mại bắt đầu tác động đến lợi nhuận của họ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc tin rằng họ đang gặp nhiều khó khăn hơn từ cuộc chiến thương mại so với các công ty từ những nước khác. 

Đó là kết quả cuộc thăm dò ý kiến do Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) ở khu vực phía Nam Trung Quốc khảo sát, với 219 công ty – khoảng 1/3 số công ty sản xuất trong khu vực. 64% các công ty cho biết họ đang xem xét dời các dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nhưng chỉ 1% cho biết họ có kế hoạch mở cơ sở sản xuất ở Bắc Mỹ.

Báo cáo của AmCham cho biết: “Trong khi hơn 70% các công ty Mỹ đang xem xét trì hoãn hoặc hủy bỏ đầu tư tại Trung Quốc, và di dời một phần hoặc tất cả dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc, chỉ có một nửa số đối tác Trung Quốc chia sẻ cùng mối quan tâm đó”.

Cuộc khảo sát nhận thấy cuộc chiến thương mại đang dẫn đến xu hướng chuyển dịch cả chuỗi cung ứng và các cụm công nghiệp, chủ yếu sang khu vực Đông Nam Á.

Các công ty Mỹ cho biết họ gặp phải sự cạnh tranh gia tăng từ các đối thủ ở Việt Nam, Đức và Nhật Bản, trong khi các công ty Trung Quốc cho biết họ đang phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Việt Nam, Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc.

Ông Harley Seyedin, Chủ tịch AmCham miền Nam Trung Quốc, nói với Reuters rằng các đơn đặt hàng tăng chậm lại, hoặc thậm chí ngưng trệ.

Ông Seyedin nhận định, rất có thể khách hàng ngừng đặt hàng cho đến khi tình hình ổn định được thấy rõ hơn, hoặc rất có thể là họ đang chuyển sang các đối thủ cạnh tranh khác sẵn sàng cung cấp hàng hóa giá rẻ hơn, thậm chí là giá lỗ, để chiếm thị phần, “một trong những điều khó khăn nhất khi bị mất thị phần là không thể giành lại được”.

Cuộc khảo sát cho thấy các công ty trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thuế quan của Mỹ, trong khi các doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các biện pháp trả đũa thuế của Trung Quốc.

Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 21/9 đến ngày 10/10, không lâu sau khi Mỹ áp đặt thuế quan đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức trả đũa với các khoản thuế bổ sung trên 60 tỷ USD lên sản phẩm của Mỹ, leo thang cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thuế nhập khẩu vào Mỹ sẽ chính thức tăng mạnh từ ngày 1/1/2019.

Cả Washington và Bắc Kinh dường như đang dấn sâu vào một trận chiến dài, mặc dù các giới chức Mỹ nói rằng Tổng thống Donald Trump dự định sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vào tháng tới nếu như các vấn đề đưa ra thảo luận có vẻ tích cực.

Gần 80% số công ty được khảo sát cho biết thuế quan đã ảnh hưởng đến kinh doanh của họ, và thuế quan của Mỹ ảnh hưởng mạnh hơn một chút so với thuế quan của Trung Quốc. Khoảng 85% các công ty Mỹ cho biết họ đã phải chịu thuế ở cả hai đầu, so với khoảng 70% các đối tác Trung Quốc của họ chịu cùng ảnh hưởng như vậy. Các công ty nước ngoài khác cũng báo cáo chịu các tác động tương tự như các công ty Mỹ.

Mối quan tâm hàng đầu của các công ty được khảo sát là chi phí bán hàng tăng, khiến lợi nhuận giảm. Ngoài ra, họ còn lo ngại về những khó khăn trong việc mua hàng đầu vào và giảm doanh thu. 1/3 các công ty ước tính tranh chấp thương mại làm giảm doanh thu của họ từ 1 triệu đến 50 triệu USD, trong khi gần 1/10 các nhà sản xuất báo cáo tổn thất kinh doanh với khối lượng lớn từ 250 triệu USD trở lên.

Gần một nửa các công ty được khảo sát cũng cho biết đã có sự gia tăng trong các rào cản phi thuế quan, bao gồm tình trạng quan liêu gia tăng và thủ tục hải quan chậm hơn. Các nhà phân tích đã cảnh báo về một nguy cơ như vậy đối với các công ty Mỹ khi Trung Quốc ngày càng không thể đối đầu cân xứng với các biện pháp của Mỹ.

Cuộc khảo sát cũng tìm được thêm bằng chứng cho thấy hoạt động xuất khẩu của các thành phố và các tỉnh của Trung Quốc lệ thuộc vào xuất khẩu đang trở nên khó khăn hơn. Quảng Đông, tỉnh có GDP lớn nhất Trung Quốc báo cáo xuất khẩu sụt giảm trong trong tám tháng đầu năm so với một năm trước.