Hậu quả của cuộc chiến tranh lạnh về kinh tế
Chuyên gia Alicia García-Herrero, thuộc Viện chính sách châu Âu Bruegel, cho rằng cuộc chiến thương mại đang diễn ra là một công cụ của cuộc chiến tranh lạnh kinh tế được Mỹ khởi xướng.
Trong bài viết đăng trên trang mạng Euractiv.com, chuyên gia chuyên gia García-Herrero nhận định rằng cuộc chiến thương mại có thể làm tan rã hệ thống kinh tế và tài chính thế giới. Sự khác nhau giữa các cuộc chiến tranh thương mại cũ và mới nằm ở mục đích của chúng.
Vào những năm 1980, nước Mỹ đã nhắm vào Nhật Bản để làm giảm thâm hụt cán cân thương mại của mình. Tình trạng vỡ bong bóng xảy ra tại thị trường Nhật Bản đã kéo theo một thập kỷ giảm phát là một hậu quả không mong muốn.
Lần này, bà García-Herrero cho rằng Mỹ sử dụng thuế quan là một công cụ nhanh chóng và không tốn kém để trấn áp Trung Quốc. Bà García-Herrero lưu ý rằng danh sách đầu tiên về hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD bị Mỹ áp thuế có cả các sản phẩm không xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Những rào cản thương mại này chỉ là một phần của cuộc chiến kinh tế rộng lớn hơn.
Cuộc chiến này bao gồm cả các biện pháp hạn chế đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ và "cuộc chiến thuế" với việc cải cách thuế được Tổng thống Donald Trump thông qua, trong đó bao gồm biện pháp giảm thuế cho doanh nghiệp Mỹ đã được Bắc Kinh theo dõi sát sao.
Càng nguy hiểm hơn khi hai bên bước vào giai đoạn mới với việc hình thành các biện pháp trừng phạt kinh tế, như trường hợp của tập đoàn viễn thông Trung Quốc ZTE.
Washington đã sẵn sàng áp đặt lệnh trừng phạt đối với ZTE, nhưng Tổng thống Trump cuối cùng đã rút lại quyết định của mình vì Chính phủ Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong đàm phán với Triều Tiên.
Chuyên gia García-Herrero nghĩ rằng cả Trung Quốc lẫn Mỹ sẽ không nhượng bộ. Tuy nhiên, những gì tồi tệ nhất có thể xảy ra là sự tan rã của hệ thống kinh tế và tài chính thế giới, như đã xảy ra trong Chiến tranh lạnh với Hội đồng Tương trợ Kinh tế COMECON, tổ chức hợp tác kinh tế được thành lập bởi Liên Xô cũ.
Điều đó có thể tạo ra hai vũ trụ song song... và sẽ là tình huống rất nguy hiểm. Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có quyết định chấn động là đưa ra các lệnh trừng phạt không?
Theo bà García-Herrero, chủ nghĩa đa phương sẽ là nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến kinh tế Mỹ-Trung hiện nay. Tuy nhiên, bất chấp mong muốn của Liên minh châu Âu (EU) trong việc trở thành người giám hộ của hệ thống đa phương, EU sẽ không thể đi một mình.
Chính quyền Trump công khai tấn công hiện trạng và tầm nhìn của Trung Quốc cũng như châu Âu về đa phương "có ít điểm chung", đặc biệt là đối với khái niệm nền kinh tế thị trường hoặc vấn đề bảo hộ.
Bà García-Herrero nhấn mạnh thêm Mỹ không dễ để EU và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về thế giới đa phương mới mà không có Washington khi mà chính họ đã có công lớn tạo ra nó.
Nếu EU tiến gần hơn tới Trung Quốc bằng cách tăng cường thỏa thuận đầu tư, Tổng thống Trump sẽ áp đặt mức thuế cao đối với xe ô tô châu Âu.
Tuy nhiên, bà García-Herrero cho rằng Trung Quốc có thể tăng cường quan hệ với châu Âu mà không gửi tín hiệu nguy hiểm tới Washington bằng cách mở cửa thị trường cho các công ty châu Âu, như trường hợp gần đây với Mercedes.
Bắc Kinh cũng có thể mở cửa theo nhiều cách khác nhau. Trong khi đầu tư nước ngoài vẫn bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ, Trung Quốc đã quyết định nhập khẩu một lượng lớn sản phẩm trong những năm tới. Bắc Kinh thậm chí có thể sẵn sàng chấp nhận cán cân thương mại bị thâm hụt để gửi tín hiệu tới những người ủng hộ chủ nghĩa cô lập Mỹ.
Đầu tháng 11, Trung Quốc tổ chức triển lãm đầu tiên về hàng nhập khẩu vào Trung Quốc. Hơn 130 quốc gia và 2.800 công ty, trong đó có 180 doanh nghiệp Mỹ tham gia sự kiện này. Tuy nhiên, Mỹ không cử đại diện chính phủ cấp cao tham dự sự kiện như trường hợp một số nước châu Âu.