COVID-19: Các ngân hàng được quyền chủ động cơ cấu lại nợ
Thông tư quy định các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 trong thời gian cơ cấu lại nợ.
Chiều nay (12/3), Ngân hàng Nhà nước đã thông tin với báo chí về việc ban hành Thông tư số 01 quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thông tư này sẽ có hiệu lực ngay từ ngày mai, 13/3.
Tổ chức tín dụng được trao quyền chủ động
Thông tư gồm 03 chương và 10 điều, trong đó có quy định một số nội dung quan trọng liên quan đến phạm vi nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ.
Theo đó, nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung) đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày liền sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19.
Thông tư cũng cho phép các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đã phân loại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước ngày 23/1/2020 trong thời gian cơ cấu lại đối với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi quy định tại Thông tư này.
Tổ chức tín dụng phải thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo thời hạn đã được cơ cấu lại theo quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh vào nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh rằng cùng với một loạt động thái trước đó, Thông tư 01 được ban hành nhằm tiếp tục hỗ trợ cũng như chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
"Đây là hành lang pháp lý quan trọng nhằm tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng xử lý tái cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19," Phó Thống đốc nói.
Cũng theo Phó Thống đốc, Thông tư là cơ sở pháp lý quan trọng giúp tổ chức tín dụng cùng các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Cụ thể, những khoản nợ đến hạn sẽ được các tổ chức tín dụng gia hạn thêm cũng như không phải chuyển nhóm nợ, giúp cho các tổ chức tín dụng mạnh dạn giảm lãi, giảm phí cho các doanh nghiệp.
"Với thông tư này, các tổ chức tín dụng sẽ chủ động tái cơ cấu khoản vay cho khách hàng. Tuy nhiên, để chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, ngăn chặn việc lợi dụng để trục lợi, các tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ hướng dẫn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đơn cử, tổ chức tín dụng phải tự xây dựng tiêu chí, phân công cán bộ xem xét, giám sát việc thực hiện chính sách này. Tôi tin rằng các ngân hàng thương mại sẽ làm tốt điều này," Phó Thống đốc cho hay.
Theo Ngân hàng Nhà nước, những khó khăn của doanh nghiệp chưa thể định lượng chính xác mà mới chỉ tạm tính bởi diễn biến khó lường của dịch bệnh. Vì vậy, việc cơ cấu lại nợ như giãn giảm lãi vay, tái cơ cấu nợ là giải pháp thiết thực nhất, cấp thiết nhất đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
Đánh giá cao việc ban hành Thông tư này, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cũng nhận định đây chính là quyết định quan trọng để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng COVID-19.
Doanh nghiệp sẽ được những chính sách như giảm, miễn lãi tuỳ theo các điều kiện tài chính của các tổ chức tín dụng.
Đối với các ngân hàng, đây cũng chính là hành lang pháp lý để ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà không chuyển nhóm nợ, nghĩa là không phát sinh về nợ xấu. Đặc biệt, đây cũng là cơ sở để các ngân hàng tiếp tục cho vay mới đối với những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch mà có khả năng trả nợ theo thời gian và phương án vay mới.
8.000 khách hàng được miễn giảm lãi vay
Cũng tại buổi thông tin, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước, cho biết từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 0,1%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 0,85%. Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, hiện có 926.000 tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 11% trong tổng dư nợ.
Cũng theo ông Hùng, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nhận được nhiều văn bản, đơn từ của các hiệp hội đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu lại 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp khó khăn; miễn giảm lãi vay cho 8.000 khách hàng với số tiền trên 350 tỷ đồng; đang xem xét giảm lãi vay cho 34.350 khách hàng với dư nợ 185.000 tỷ đồng; tiếp tục cho vay mới 5.493 khách hàng với doanh số cho vay dự kiến 24.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã miễn phí hoàn toàn hoặc giảm phí dịch vụ giao dịch.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp trên toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp trong ngành xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải… Ngành ngân hàng sẵn sàng đủ vốn để đáp ứng cho nhu cầu của nền kinh tế, cả trong và sau dịch. Trong thời gian tới, gói tín dụng hỗ trợ có thể lớn hơn, nhưng do các tổ chức tín dụng tự cân đối tình hình tài chính của mình.