CPI liên tục tăng, có kiểm soát được lạm phát?
Không loại trừ mức lạm phát năm 2016 sẽ lên tới 5,2%, vượt qua mục tiêu 5% của Chính phủ, điều này được các chuyên gia dự báo. Nửa cuối năm còn lại là thời điểm quan trọng để cơ quan quản lý nỗ lực đưa lạm phát nằm trong vòng kiểm soát trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – chỉ số cơ bản để đo lường lạm phát, liên tục giữ xu hướng tăng cao qua hàng tháng.
Mới đây, Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số CPI tháng 7/2016 với mức tăng 0,13% so với tháng trước. Tính trong 7 tháng đầu năm nay, CPI đã tăng tới con số 2,48% so với tháng 12/2015.
Tại hội thảo công bố báo cáo kinh tế Việt Nam quý II/2016 do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 26/7 tại Hà Nội, giới chuyên gia cũng dự báo mức CPI trong quý III/2016 sẽ là khoảng 1,31%.
CPI tạo sức ép lạm phát
Theo nhận định của Bộ Công Thương, diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng cao về giá cả một số loại hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng trên thị trường thế giới, đã tạo sức ép lạm phát gia tăng.
Bộ Công Thương cho rằng CPI của năm 2016 cao hơn nhiều so với mức bình quân của năm 2015 trong khi thu nhập chưa có nhiều thay đổi nên khả năng mua hàng của người dân khó có điều kiện được cải thiện.
Trong giải pháp 6 tháng cuối năm 2016, Bộ Công Thương cho biết sẽ cùng phối hợp với các ngành để bảo đảm kiểm soát được CPI ở mức hợp lý (dưới 5%) theo chỉ tiêu kế hoạch đã đặt ra, coi đây là giải pháp cơ bản để ổn định và phát triển tổng cầu. Bộ này sẽ chú trọng cân đối cung cầu một số mặt hàng thiết yếu, bảo đảm không để xảy ra sốt giá cục bộ.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho rằng để kiềm chế lạm phát thì phải theo sát thị trường đảm bảo cung cầu hàng hóa, kiểm tra giá.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong nửa cuối năm, cần kiểm soát và điều hành tốt tỷ giá trước áp lực biến động giá trị của các đồng tiền mạnh như USD, đồng Euro và đồng Nhân dân tệ để bảo đảm hỗ trợ sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, ổn định thị trường trong nước; tiếp tục ổn định mặt bằng lãi suất thị trường…
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định: Mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường nguyên liệu thô thế giới (giá dầu ngừng giảm và có thể tăng nhẹ), biến đổi khí hậu (gây xáo trộn trên thị trường lương thực).
Ngoài ra, còn có các yếu tố nội sinh như chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và biến động của tổng cầu, không loại trừ mức lạm phát năm 2016 sẽ lên tới 5,2%, vượt qua mục tiêu 5% của Chính phủ.
Thực tế cho thấy, kể từ đầu năm 2016 đến nay, chỉ số CPI đã liên tục giữ xu hướng tăng cao qua hàng tháng và nguy cơ tác động lạm phát tăng cao trong năm nay là hoàn toàn hiển hiện.
Cần nhiều kịch bản đối phó
Theo nhận định, việc giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước, gây áp lực trực tiếp đến khả năng kiềm chế lạm phát.
Giới chuyên gia lưu ý áp lực tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đã khiến CPI tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2016. Trong khi đó, theo quy luật, 6 tháng cuối năm mới là thời điểm CPI có nhiều biến động. Thực tế này cho thấy áp lực tăng giá tiêu dùng mạnh mẽ khiến mục tiêu kiềm chế lạm phát thêm khó khăn.
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết trong 6 tháng cuối năm 2016, công tác quản lý, điều hành giá dự báo gặp nhiều thách thức do vẫn còn nhiều yếu tố có thể tác động mạnh đến chỉ số CPI.
Trong đó, sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế và giáo dục) theo lộ trình thị trường, chính sách điều hành tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ là những nhân tố cần được quan tâm, theo sát để điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như đã đề ra.
Với đà tăng được khởi động ngay trong hai quý đầu năm, diễn biến lạm phát trong các tháng còn lại của năm 2016 được dự báo sẽ khó lường và chịu sức ép bật tăng mạnh trở lại so với năm 2015.
Thứ nhất, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng lần hai với mức tăng cũng rất lớn. Lộ trình tăng học phí sẽ được tiếp tục tiến hành nên dự kiến cũng gây tác động nhất định tới CPI trong nửa cuối năm nay. Ngoài ra, độ trễ của chính sách tiền tệ sẽ có sự ảnh hưởng nhất định tới diễn biến CPI trong nửa cuối năm 2016.
Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại, đẩy giá xăng trong nước tăng theo. Khi đó, giá nhóm hàng giao thông chắc chắn sẽ tiếp tục tăng và không còn tác dụng hỗ trợ giảm CPI như hồi năm ngoái.
Trước những dự báo về diễn biến phức tạp của lạm phát trong hai quý còn lại, Chính phủ đã và đang thận trọng trong việc đưa ra các giải pháp để đảm bảo kiểm soát lạm phát.
Các giải pháp trước mắt tập trung kiểm soát chặt chẽ chi phí giá cả đầu vào nhằm duy trì sự ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, tăng cường quản lý chi phí xăng dầu, chi phí vận tải để giúp doanh nghiệp giảm chi phí.
Nhưng nói như PGS.,TS. Ngô Trí Long, để kiềm chế lạm phát dưới 5%, Chính phủ cần xây dựng những kịch bản khác nhau, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý.