CPI tháng 4 có thể sẽ "ngóc" lên

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) TS. Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, có thể CPI tháng 4 sẽ “ngóc” lên. Bởi vì, các dự án, sản xuất kinh doanh bắt đầu được thực hiện. Vận hành của doanh nghiệp trong quý II cũng sẽ vào nề nếp, tính mùa vụ giảm dần...

Còn quá sớm để đánh giá chỉ số CPI giảm sâu là điều đáng mừng hay đáng lo. Nguồn: internet
Còn quá sớm để đánh giá chỉ số CPI giảm sâu là điều đáng mừng hay đáng lo. Nguồn: internet
CPI tháng 3/2014 giảm 0,44% so với tháng trước và tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2013. Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi ngắn với TS. Cao Sỹ Kiêm.

Phóng viên: Chỉ số CPI giảm sâu như thế có nguyên nhân vì sao, thưa ông?

TS. Cao Sỹ Kiêm: Nguyên nhân của vấn đề này có thể thấy qua 3 lý do chính. Thứ nhất, chúng ta đang kiểm soát lạm phát một cách chủ động, tất cả các chỉ số giá tăng giảm đều được kiểm soát. Thứ hai, do nền kinh tế có sức mua giảm, cầu chưa tăng cho nên khả năng tiêu thụ hàng hóa vẫn ở mức thấp, sản xuất vẫn ở trạng thái trì trệ. Cuối cùng, chúng ta thấy, mức tiêu dùng thể hiện khả năng thu nhập của dân. Khi đồng tiền ít đi, thu nhập của dân ít đi thì sự tiêu thụ hàng hóa sẽ ít đi.

Thưa ông, CPI giảm có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?

Chúng ta nhìn nhận vấn đề này dưới hai khía cạnh tích cực và tiêu cực. Mặt tốt ở đây là, lạm phát giảm xuống là điều rất mừng, vì nó làm cho giá cả giảm xuống, chi phí cho sản xuất thấp đi, giá thành giảm và đời sống người dân được cải thiện, giá trị đồng tiền được ổn định. Điều này sẽ tạo ra những yếu tố lành mạnh hơn trong nền kinh tế và tạo ra sự cân đối tiền tệ.

Tuy nhiên, chỉ số CPI tháng 3 giảm mạnh biểu hiện sức mua của nền kinh tế còn rất yếu, khả năng phục hồi chưa nhanh, sản xuất kinh doanh trì trệ. Thực tế cho thấy, lạm phát giảm, trong bối cảnh sản xuất bị đình trệ, khó khăn và không “thoát” ra được, hàng tồn kho nhiều. Nếu tình trạng này kéo dài và giảm sản xuất thì đây lại là yếu tố tiêu cực.

Ông dự đoán như thế nào về chỉ số CPI tháng 4?

Có thể CPI tháng 4 sẽ “ngóc” lên. Bởi vì, các dự án, sản xuất kinh doanh bắt đầu được thực hiện. Vận hành của doanh nghiệp trong quý II cũng sẽ vào nề nếp, tính mùa vụ giảm dần.

Bên cạnh đó, dòng vốn đã được tung ra kể cả về ngân sách hay về tín dụng sẽ làm cho các hoạt động kinh tế sôi động hơn.

Xin cảm ơn ông!

PGS., TS. Phạm Hồng Chương, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, còn quá sớm để đánh giá chỉ số CPI giảm sâu là điều đáng mừng hay đáng lo. Ít nhất chúng ta cũng thấy, về ngắn hạn và trung hạn thì những dấu hiệu dẫn đến lạm phát đã được khắc phục. Tuy nhiên, về dài hạn thì lạm phát phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế. Nếu chúng ta không giải quyết được bài toán về tăng trưởng kinh tế thì có thể, thiểu phát sẽ là sự kìm hãm nền kinh tế.

Song, có một điều cần nhấn mạnh, đối với nền kinh tế Việt Nam, nhiều khi những dấu hiệu ngắn hạn sẽ không phản ánh hết được vấn đề nội tại bên trong nền kinh tế.