CPTPP - Cơ hội thúc đẩy cải cách thể chế

Theo Nguyễn Minh/daibieunhandan.vn

Hiệu quả kép từ việc trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là cơ hội để thúc đẩy cải cách thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Các cam kết cơ bản - Những lưu ý cho doanh nghiệp”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương tổ chức tại Hà Nội, ngày 22/5.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Khuyến khích nội khối

Ngày 8/3/2018, Việt Nam cùng 10 đối tác khác ở hai bờ Thái Bình Dương đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Bên cạnh những điều khoản có lợi từ CPTPP, thì hiệp định này cho phép Việt Nam có thêm 3 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mới với Canada, Mexico, Peru và 7 FTA nâng cấp với các đối tác còn lại.

Như vậy, bằng việc trở thành thành viên của CPTPP, kinh tế Việt Nam tiếp tục tiến trình hội nhập sâu hơn với các thị trường ưu tiên, đặc biệt là mở ra cánh cửa vào thị trường châu Mỹ đầy tiềm năng.

Vụ trưởng Vụ Chính sách đa biên, Bộ Công thương Lương Hoàng Thái cho biết, không có nhiều thay đổi trong việc mở rộng thị trường, ưu đãi thuế quan so với TPP, tuy nhiên mỗi một lĩnh vực hàng hóa doanh nghiệp (DN) có một cơ hội tận dụng khác nhau.

Chính vì thế, ngoài biểu mẫu kèm theo Hiệp định, DN phải tham khảo thêm lời văn để hiểu rõ hơn các nội dung cam kết như quy tắc thương mại, điều kiện thuế quan; phạm vi điều kiện áp dụng… Bởi phải thỏa mãn các điều kiện nêu trên thì DN mới được ưu đãi.

Theo cam kết của Việt Nam thì ngay từ năm đầu tiên, 65% mặt hàng có thuế xuất 0%; 85% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi hiệp định có hiệu lực… Các mặt hàng còn lại cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình tối đa vào năm thứ 16 hoặc theo hạn ngạch thuế quan. Đây là thách thức không nhỏ đối với các DN, nhất là DN vừa và nhỏ của Việt Nam lĩnh vực bán lẻ, quảng cáo...

Cùng với những ưu đãi thuế quan thì CPTPP cũng rất linh hoạt trong cơ chế xác định nguồn gốc xuất xứ. Theo đó, không chỉ nhà sản xuất, mà nhà xuất khẩu cũng được tự chứng nhận xuất xứ. Có thể thấy, tinh thần chung của CPTPP là khuyến khích thương mại nội khối, với những quy định cộng gộp toàn phần trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ, ưu tiên các mặt hàng lấy nguyên liệu từ các nước thành viên.

Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi, thì DN phải đáp ứng được các điều kiện nhất định. Phó Trưởng phòng Thuận lợi hóa thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Vương Đức Anh nêu thực tế, rất nhiều DN Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện, nhất là quy tắc xuất xứ hàng hóa, bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu sạch và minh bạch.

Doanh nghiệp cần lên tiếng

Một trong những cơ chế của CPTPP là việc thực hiện cơ chế Ratchet - nôm na là “chỉ tiến không lùi” theo đó các nước thành viên chỉ điều chỉnh chính sách theo hướng thuận lợi hóa đạt được các mục tiêu cam kết. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong quá trình rà soát hệ thống pháp luật để bảo đảm tương thích.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh gợi ý, cần tăng cường đối thoại giữa nhà nước và DN; cùng với việc DN cần lên tiếng trong xây dựng, phản biện chính sách thì Nhà nước phải thay đổi từ tư duy quản lý sang tư duy kiến tạo, tạo điều kiện hơn nữa cho DN phát triển. Khi DN lớn mạnh thì mới có đủ điều kiện gia nhập thị trường quốc tế, mà không cần phải dùng các hàng rào kỹ thuật bảo hộ.

Từ góc độ thể chế, Việt Nam đã tạm hoãn một số nghĩa vụ phức tạp trong TPP (đặc biệt trong một số khía cạnh về sở hữu trí tuệ, tranh chấp Nhà nước – nhà đầu tư nước ngoài…). Điều này chắc chắn sẽ giúp Việt Nam và các nước có thêm thời gian điều chỉnh và thích ứng ở các lĩnh vực liên quan. Tuy vậy, trong tổng thể, những đòi hỏi về cải cách thể chế từ CPTPP – một Hiệp định “toàn diện” và “tiến bộ” - hầu như không bị ảnh hưởng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, làm thế nào có thể cộng hưởng được yêu cầu cải cách thể chế theo yêu cầu của CPTPP và những cải cách môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang triển khai. Để làm được điều này, Nhà nước và DN cần có sự đồng hành, DN phải chủ động tham gia kiến tạo hệ thống thể chế pháp luật về môi trường kinh doanh sao cho vừa tuân thủ CPTPP, vừa tận dụng được không gian chính sách còn lại để phục vụ tốt nhất lợi ích của DN trong nước.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong một chừng mực nhất định, thách thức này cũng đặt ra đối với các cơ quan nhà nước liên quan phải có quyết tâm tổ chức thực thi thuận lợi và thông suốt, để DN có thể tận dụng tối đa các cơ hội thị trường; phải minh bạch, tham vấn cùng DN trong quá trình rà soát pháp luật, nội luật hóa và thực thi các cam kết CPTPP một cách thích hợp.