Mỹ cân nhắc tái gia nhập TPP: Dễ hay khó?

Theo Nhật An/daibieunhandan.vn

Hơn một năm sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Tổng thống Mỹ Donald Trump lại “nâng lên đặt xuống” ý định đưa Mỹ tái gia nhập thỏa thuận thương mại đa phương toàn diện này. Mặc dù không có gì ngăn cản ý định của Mỹ, song điều này cũng không có nghĩa rằng quá trình tái gia nhập sẽ diễn ra đơn giản như cách ông Trump thay đổi lập trường.

Tổng thống Trump bày tỏ ý định quay lại TPP. Nguồn: Internet
Tổng thống Trump bày tỏ ý định quay lại TPP. Nguồn: Internet

Quan tâm trở lại

Thượng nghị sĩ Mỹ Ben Sasse cho biết, ông Trump đã yêu cầu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Larry Kudlow nghiên cứu khả năng Mỹ tái đàm phán gia nhập TPP, với điều kiện đạt được thỏa thuận tốt hơn cho nước này.

Trước đó, phát biểu tại Chile đầu tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng đề cập vấn đề này khi khẳng định, Washington chắc chắn cởi mở với việc cân nhắc quay trở lại TPP, sau khi chính quyền Mỹ hoàn tất các công việc liên quan đến những thỏa thuận thương mại khác.

Tuy nhiên, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter ngày 17/4, Tổng thống Trump lại dội gáo nước lạnh lên TPP khi cho hay, Nhật Bản và Hàn Quốc muốn Mỹ trở lại TPP, nhưng bản thân ông không thích thỏa thuận này vì cho rằng nó có quá nhiều bất ổn.

Theo ông Trump, các hiệp định thương mại song phương hiệu quả, có lợi và tốt hơn cho người lao động Mỹ. Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng, việc Mỹ tái gia nhập TPP vẫn là ý tưởng hay, vì TPP sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Theo các nhà phân tích, những nước tham giá ký kết CPTPP, trong đó có Canada, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Chile, đã chiếm khoảng 40% thương mại Mỹ.

Nếu quá trình phê chuẩn CPTPP được đẩy nhanh, các nhà xuất khẩu Mỹ sẽ mất lợi thế khi tìm cách bán sản phẩm ở những nước thành viên CPTPP. Hơn nữa, tái tham gia Hiệp định thương mại này cũng giúp các công ty Mỹ cạnh tranh hơn và thúc đẩu đầu tư nước ngoài trực tiếp vào Mỹ.

Cơ hội mở

TPP ban đầu có 12 nước tham gia đàm phán, vốn chiếm hơn 40% nền kinh tế toàn cầu. Sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2017, ông Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP, với lý do bảo vệ công ăn việc làm cho nước Mỹ. T

rước sự thoái lui của Mỹ, 11 nước còn lại đã đàm phán lại một số nội dung của TPP. Tháng 3/2018, những nước này đã ký Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong đó đình chỉ khoảng 20 điều khoản của thỏa thuận ban đầu.

Nhiều điều khoản từng được thúc đẩy bởi Mỹ như bảo vệ tài sản trí tuệ, một số dược phẩm, nới rộng thời hạn tác quyền và giảm rào cản đối với những công ty chuyển vận nhanh.

CPTPP sẽ có hiệu lực thực thi sau khi được 6 nước ký kết phê chuẩn, dự kiến vào đầu năm sau, và sẽ dỡ bỏ rào cản về thuế giữa 11 nước thành viên, chiếm khoảng 13 - 18% nền kinh tế toàn cầu, với giá trị tổng sản phầm quốc nội lên tới 10.000 tỷ USD.

CPTPP bổ sung nhiều điều khoản về quy trình rút lui, gia nhập, rà soát CPTPP trong tương lai, tạo điều kiện cho các nước gia nhập sau, trong đó kỳ vọng lớn nhất là sự trở lại của Mỹ.

Một số thành viên chủ chốt trong CPTPP như Nhật Bản và Australia vẫn hy vọng chào đón Mỹ quay lại bàn đàm phán, nhưng cũng bày tỏ quan ngại về khả năng này, nếu ông Trump vẫn tiếp tục đàm phán với lập trường khó khăn. Trong khi đó, một số nước thành viên tỏ ý ái ngại trước việc tái đàm phán TPP kéo dài hàng năm trời, chỉ để nhằm đưa Mỹ quay trở lại.

Tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố cứng rắn, Washington sẽ không thể đảo ngược thỏa thuận CPTPP như ý muốn. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Canada Francois-Philippe Champagne cho rằng, Mỹ sẽ không nhận được bất kỳ đối đãi đặc biệt nào, hay được tạo điều kiện đẩy nhanh việc tiếp cận thỏa thuận nếu muốn tham gia CPTPP.

Để Mỹ tái gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, các bên sẽ phải mở lại các vòng đàm phán về thỏa thuận ban đầu - TPP. Theo Charles Finny, nhà phân tích hiện sống ở Wellington và từng là nhà đàm phán thương mại của chính phủ New Zealand, khả năng này rất khó xảy ra, khi 11 nước còn lại đã nỗ lực đạt được một thỏa thuận không có Mỹ.

Ngay cả khi điều này thành hiện thực thì quá trình đàm phán chắc chắn sẽ kéo dài và khó khăn, trong bối cảnh ông Trump muốn đạt được một thỏa thuận tốt hơn TPP dưới thời chính quyền tiền nhiệm Obama.

Wendy Cutler, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Xã hội châu Á cảnh báo, ngay cả khi Tổng thống Trump nghiêm túc với ý định quay trở lại TPP thì các cuộc đàm phán cũng có thể rơi vào bế tắc. Việc Washington trở lại cũng đòi hỏi tái thương lượng một số vấn đề gai góc đối với những thành viên hiện hữu, trong đó có Nhật Bản, như sản phẩm nông nghiệp, thuế quan xe tải và hạn ngạch ô tô trong các nước ký kết.