CPTPP - kỳ vọng về tự do hóa thương mại toàn cầu
Trong buổi họp báo sau lễ ký kết CPTPP, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói: “Bất chấp các thách thức khó khăn và đa dạng, CPTPP là một thành tựu lịch sử vạch ra các luật lệ tự do và công bằng của thế kỷ XXI trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Theo hãng tin AP, ngày 8/3, Bộ trưởng thương mại của 11 quốc gia vành đai Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận thương mại tự do có ảnh hưởng sâu rộng để phục vụ thương mại và cắt giảm thuế quan.
Sự kiện ký kết diễn ra chỉ vài giờ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố kế hoạch áp đặt các mức thuế mới cho mặt hàng nhôm - thép để bảo vệ các nhà sản xuất Mỹ.
Yoichi Funabashi, Chủ tịch cơ quan tư vấn Sáng kiến châu Á - Thái Bình Dương, viết trong bài bình luận đăng trên tờ Washington Post rằng: “Thế giới sẽ không đơn giản ngừng lại chỉ vì sự quay lưng của Mỹ”.
Julien Marcilly, kinh tế gia trưởng tại công ty bảo hiểm tín dụng Coface, nói: “Ảnh hưởng của CPTPP (khi không có sự tham gia của Mỹ) chắc chắn sẽ thấp hơn kỳ vọng, nhưng thỏa thuận này xứng đáng được tồn tại và đưa vào thực thi một cách nhanh chóng”. Hơn nữa, ông Julien cho rằng, việc phê chuẩn sẽ diễn ra nhanh hơn khi không có Washington. Ông nhấn mạnh rằng, thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và Colombia đã mất tới 6 năm mới có thể được thực thi kể từ khi ký kết năm 2006.
Giới chuyên gia tin rằng, cho dù thiếu vắng Mỹ, CPTPP vẫn rất quan trọng. Một chuyên gia thương mại quốc tế giấu tên nói: “Đây là một thỏa thuận lớn. CPTPP còn mang tầm quan trọng hơn nữa bởi sự tự do hóa thương mại toàn cầu đang bị cản trở và nó phải chuyển sang các mẫu hình của các thỏa thuận khu vực tiếp theo như CPTPP”.
Trong buổi họp báo sau lễ ký kết, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi nói: “Bất chấp các thách thức khó khăn và đa dạng, CPTPP là một thành tựu lịch sử vạch ra các luật lệ tự do và công bằng của thế kỷ 21 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Hiệp định này bao trùm 13% GDP toàn cầu, với quy mô thị trường gồm 500 triệu người bao gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zeland, Peru, Singapore và Việt Nam. Sự thành công của CPTPP nêu bật sự cô lập của Mỹ dưới chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump và tuyên bố “Nước Mỹ trước tiên”.
CPTPP đẩy Mỹ vào thế bất lợi?
Joshua Meltzer, học giả cấp cao về kinh tế toàn cầu và chương trình phát triển tại Viện Brookings (Mỹ), nói: “CPTPP đẩy Mỹ vào thế bất lợi từ cả góc độ thương mại và chiến lược rộng hơn. Giờ đây, họ là một khối thương mại gạt Mỹ ra ngoài lề”. Ông Meltzer khẳng định khả năng của Mỹ để định hình các luật lệ thương mại trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương “đang bị thu hẹp đáng kể”.
Ngày 8/3, bình luận về thỏa thuận này trước thềm lễ ký kết, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: “Trung Quốc không tham gia CPTPP. Tuy nhiên, Trung Quốc luôn là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ tự do hóa thương mại và là nhân tố quan trọng tham gia tiến trình hợp tác và hội nhập kinh tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.