CPTPP – Những nội dung của một Hiệp định tiêu chuẩn cao?
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được nhận định là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với nhiều tiêu chuẩn cao và toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực không chỉ về thương mại mà còn đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều vấn đề, nguyên tắc khác.
Sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Như vậy, CPTPP đã bổ sung 2 từ "Toàn diện" (Comprehensive) và "Tiến bộ" (Progressive). Sự bổ sung này khẳng định tầm vóc, chất lượng và ý nghĩa của CPTPP – một hiệp định có tính tiêu chuẩn cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, cũng như TPP, CPTPP được coi là một FTA tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như: cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước.
Về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định thống nhất xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; Tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, CPTPP vừa tạo sự gắn kết giữa các quốc gia vừa bảo đảm lợi ích của tất cả các bên, bảo đảm quyền bảo vệ, phát triển và thực thi các chính sách văn hóa riêng của từng thành viên.
Với sự rút lui của Mỹ, quy mô thị trường của CPTPP bị thu hẹp đáng kể, từ chỗ chiếm 40% xuống còn 13,5% GDP toàn cầu so với TPP. Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, đây vẫn là hiệp định hết sức quan trọng, mở ra thị trường rộng lớn với tổng dân số 500 triệu người.
CPTPP về cơ bản kế thừa toàn bộ nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn khoảng 20 nghĩa vụ so với TPP để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới. Trong đó, có 11/20 điều khoản liên quan đến sở hữu trí tuệ mà Mỹ là quốc gia đề xuất trước đây. Trong số các nghĩa vụ được tạm hoãn, các nước đồng ý để Việt Nam miễn thực thi một số cam kết liên quan đến sở hữu trí tuệ, đầu tư, mua sắm của Chính phủ, dịch vụ tài chính, viễn thông...
Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Đối với cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ và nhà đầu tư (ISDS), CPTPP đã thu hẹp phạm vi cho phép nhà đầu tư nước ngoài sử dụng cơ chế này để kiện Chính phủ nước thành viên sở tại (nước tiếp nhận đầu tư).
Theo đó, các công ty tư nhân có hợp đồng đầu tư với Chính phủ sẽ không được phép sử dụng cơ chế ISDS nếu xảy ra tranh chấp về hợp đồng giữa hai bên. Các công ty trong nước cũng không được sử dụng cơ chế ISDS để kiện Chính phủ nước đó, nhưng có thể sử dụng để khởi kiện Chính phủ một nước thành viên khác trong khối.
Ngoài ra, về việc thành lập Ban trọng tài của ISDS, CPTPP quy định Ban trọng tài có ba thành viên, bao gồm một đại diện do Chính phủ cử ra, một đại diện do nguyên đơn lựa chọn và một trọng tài chủ tọa cùng do Chính phủ và nguyên đơn cùng thống nhất lựa chọn.
Hiệp định còn bổ sung các quy định về quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai, tạo tính linh hoạt của Hiệp định và có thể sẵn sàng cho những đợt kết nạp thành viên mới.
CPTPP được ký kết ngày 8/3/2018 tại Santiago, Chile (theo giờ Chile), tức sáng ngày 9/3/2018 theo giờ Việt Nam đã truyền đi một thông điệp mạnh mẽ về chống lại chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại.