Việt Nam “chơi” thế nào trong CPTPP?
Không có sự tham gia của Mỹ, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước tham gia được ký kết vào ngày 8/3/2018 tại Chile theo giờ địa phương, tức sáng ngày 9/3/2018 theo giờ Việt Nam là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất từ trước đến nay và hứa hẹn mang lại nhiều tiềm năng phát triển đối với Việt Nam.
Mở ra “sân chơi mới”
Sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại (gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là CPTPP.
CPTPP là tập hợp của các nền kinh tế trong khu vực với khả năng đem lại các lợi ích và lợi thế thiết thực cho các quốc gia thành viên. Từ đó, tác động tích cực nhằm thu hút thêm nhiều quốc gia tham gia vào CPTPP, thúc đẩy xu hướng hợp tác trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Hiệp định được nhận định sẽ mở ra cơ hội phát triển về mọi mặt, đặc biệt là kinh tế đối với các nước thành viên trong đó có Việt Nam. CPTPP sẽ mở ra một "sân chơi mới" đối với Việt Nam với quy mô thị trường của các nước tham gia chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu dân.
Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; Tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Theo đó, Hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như: Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển.
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) ước tính, khi tham gia vào CPTPP, GDP của Việt Nam sẽ tăng thêm 1,32%, tăng trưởng xuất khẩu cũng sẽ tăng thêm 4% và nhập khẩu tăng thêm 3,8%.
Riêng với doanh nghiệp, CPTPP là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Đồng thời, khi mở cửa ra thế giới, doanh nghiệp Việt sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm thực tiễn cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Quan trọng là phải “biết chơi”!
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, để thực thi cam kết hội nhập trong CPTPP, yếu tố quan trọng trước hết là phải có một chương trình hành động mang tính tổng thể của nền kinh tế với sự tham gia của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, địa phương, hiệp hội và người dân.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, CPTPP đòi hỏi Việt Nam cần phải có những bước cải cách đột phá mạnh mẽ trong rất nhiều các lĩnh vực nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam trở nên thuận lợi hơn. Do đó, ông Thành cho rằng, việc kết hợp hài hòa giữa cải cách thể chế với cam kết hội nhập là vấn đề quan trọng với Việt Nam.
CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Để tận dụng tối đa những lợi ích mà CPTPP mang lại, TS. Võ Trí Thành nhận định: “Quan trọng là phải biết chơi, biết gắn với những “người khổng lồ” để học được những thứ tốt nhất”. Theo đó, doanh nghiệp cần xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng.
Làm rõ hơn về vấn đề này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp định CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, đặc biệt là các thông tin về các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng mình có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn cũng như việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đồng thời, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu; Đào tạo và nâng cao các kỹ năng cho nguồn nhân lực, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0 về công nghệ thông tin…