CPTPP: Tạo động lực mới đối với cải cách trong nhiều lĩnh vực
Ngày 11/11/2017, 11 nước thành viên đã thống nhất đổi tên Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). CPTPP được đánh giá không chỉ là một hiệp định thương mại toàn diện và tiến bộ hơn, mà còn tạo nhiều động lực mới đối với cải cách trong nhiều lĩnh vực…
Nỗ lực thúc đẩy thương mại đa phương
Theo các chuyên gia, phiên bản mới CPTPP được các bên tham gia khẳng định không đơn thuần chỉ thay đổi tên gọi, hay sự khác biệt về con số thành viên. Ðiểm mới và tích cực nhất của CPTPP chính là sự thống nhất tuyệt đối của các thành viên về nhu cầu duy trì một hiệp định chất lượng cao và toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực, chứ không chỉ là vấn đề mở cửa thị trường, thương mại và kinh tế.
Với diện mạo mới là "toàn diện" và "tiến bộ", CPTPP là minh chứng cho sự nỗ lực, quyết tâm hồi sinh Hiệp định TPP của 11 nước thành viên. Đựợc kế thừa các nội dung tiến bộ của phiên bản gốc, CPTPP cơ bản giữ nguyên các tiêu chuẩn cao, tính cân bằng và chặt chẽ của TPP, đồng thời nhấn mạnh tính toàn diện và tiến bộ của phiên bản mới khi bảo đảm các lợi ích, không chỉ thương mại, của tất cả các bên tham gia, bảo toàn các quyền kiểm soát, tính linh hoạt khi đặt ra các ưu tiên về mặt pháp lý và quản lý, cũng như bảo đảm quyền bảo vệ, phát triển và thực thi các chính sách văn hóa riêng của từng thành viên.
Theo Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Hiệp định mới sẽ tích hợp TPP, đình chỉ thực hiện 20 điều khoản trong hiệp định ban đầu, bổ sung các quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai. Thỏa thuận có giá trị tương đương TPP 12 và sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi được ít nhất 6 nước thông qua.
Các điều khoản bị đình chỉ thuộc nhiều lĩnh vực, từ giải quyết tranh chấp đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ đến điều kiện dự thầu. Bên cạnh đó, có 4 vấn đề sẽ được thống nhất trước thời điểm ký kết hiệp định, trên cơ sở đồng thuận giữa tất cả các bên, để việc tạm hoãn có hiệu lực.
Việc CPTPP đình chỉ 20 điều khoản và bổ sung các phụ lục danh mục những vấn đề cần đàm phán thêm được xem là giải pháp thỏa hiệp, giúp khai thông bế tắc đàm phán và bảo đảm hiệp định sớm đi vào cuộc sống. CPTPP cũng được quy định có hiệu lực ngay sau khi có sáu quốc gia thành viên đầu tiên phê chuẩn. Ðây là thay đổi tích cực so với quy định về hiệu lực của TPP, khi đòi hỏi giá trị GDP của các quốc gia phê chuẩn phải đạt mức 85% tổng GDP của 12 thành viên.
Theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước, CPTPP không đơn giản chỉ là khoác chiếc áo mới cho một thỏa thuận đối tác giữa các thành viên ven bờ Thái Bình Dương mà còn là biểu tượng cao của nỗ lực thúc đẩy thương mại đa phương và chống chủ nghĩa bảo hộ.
Mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, với cả phiên bản TPP hay CPTPP cơ hội và thách thức luôn song hành. Đây đều là các hiệp định thương mại thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao, nên đòi hỏi thực hiện nhiều cải cách, trong nhiều lĩnh vực, kể cả trong quan điểm, cũng như vấn đề pháp lý, hành chính. Nhưng, chính những đòi hỏi này lại tạo động lực phát triển, cả kinh tế và xã hội. Thực tế, các tiêu chuẩn cao liên quan vấn đề thể chế sẽ giúp nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, khuôn khổ pháp luật, tính cạnh tranh, môi trường đầu tư, kinh doanh…
Đánh giá về những lợi thế từ CPTPP mang lại cho nền kinh tế Việt Nam, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Quỹ châu Á - Thái Bình Dương của Canađa, ông Stewart Beck cho rằng, CPTPP sẽ đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại thế giới. Đồng thời, đà tăng trưởng kinh tế hiện nay ở Việt Nam có được một phần là kết quả từ việc tiếp cận thị trường toàn cầu, vì thế bất kỳ điều gì giúp giảm hàng rào thương mại đều quan trọng, và CPTPP nhắm tới mục tiêu này.
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực, CPTPP sẽ tác động tích cực đối với hoạt động thương mại, đầu tư của Việt Nam. Hiện chúng ta chưa có tính toán, thống kê nào lượng hóa mức độ tích cực này nhưng theo theo tôi, Việt Nam là một trong một số nước được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định mới này.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kỳ vọng, CPTPP là hiệp định kiểu mới, cùng với việc mở cửa thị trường là hàng loạt vấn đề khác về thể chế, chính sách, hải quan… Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp không chỉ kỳ vọng vào thị trường chung trong khối mà còn hy vọng sự thay đổi thể chế, chính sách sẽ tạo môi trường, điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch hơn.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), cho rằng, điều quan trọng nhất khi tham gia CPTPP là Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn để trở thành nền kinh tế thị trường hoàn toàn. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ thoát được những cản trở thương mại mà các nước áp đặt …