CPTPP và mối lo sở hữu trí tuệ
Sở hữu trí tuệ vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam, một nước có trình độ phát triển thấp nhất trong 11 quốc gia tham gia CPTPP.
Tại cuộc họp không chính thức của đại diện 11 nước (không có Mỹ) diễn ra bên lề Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ngày 10/11, các bên đã thỏa thuận đổi tên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương(Trans-Pacific Partnership Agreement- TPP) thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo đó, CPTPP gồm 8.000 trang tài liệu, nhưng chỉ có 20 điều của thỏa thuận TPP, trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ (sở hữu trí tuệ) và 4 điểm được để riêng để các bên đàm phán thống nhất trong thời gian tới. Mỗi quốc gia thành viên sẽ liệt kê danh sách giới hạn các điều khoản tạm hoãn của nước mình.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, TPP-11 vẫn đảm bảo là một thỏa thuận chất lượng cao như TPP-12, đồng thời đảm bảo có những điểm cân bằng mới đối với các quốc gia thành viên. Nội dung của CPTPP không chỉ là thương mại, đầu tư, mà còn về sở hữu trí tuệ (dù tạm hoãn thực thi) và các lĩnh vực rộng lớn khác. Về bản chất, CPTPP tiến bộ hơn so với TPP đã ký kết nên nó là toàn diện.
Như vậy sở hữu trí tuệ vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam, một nước có trình độ phát triển thấp nhất trong 11 quốc gia tham gia CPTPP. Theo ông Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, người tham gia hầu hết các vòng đàm phán TPP về sở hữu trí tuệ, thách thức lớn nhất là khi sở hữu trí tuệ ở Việt Nam đang tồn tại "ba điểm yếu lớn".
Một là, hình sự hóa những vi phạm liên quan tới sở hữu trí tuệ. Hiện nay pháp luật của Việt Nam chỉ xử phạt hành chính các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, chưa có những quy định xử lý bằng hình sự.
Hai là, bảo hộ đối với dược phẩm, trong đó vấn đề gay cấn nhất là bảo hộ cơ sở dữ liệu thử nghiệm.
Ba là, vấn đề nông hóa phẩm, từ thức ăn chăn nuôi đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và vắcxin thú y. Nếu đáp ứng yêu cầu rất cao về nông hóa phẩm chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Với CPTPP, Việt Nam có thể không là nước hưởng lợi nhiều nhất như TPP, nhưng vẫn rất quan trọng, bởi nó tập hợp nhiều tiêu chí gắn với cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hai tháng tới sẽ có những điều chỉnh tùy thuộc vào trình độ phát triển của mỗi quốc gia tham gia CPTPP, nhưng việc đối phó vẫn rất khó khăn do hệ thống luật pháp về sở hữu trí tuệ của Việt Nam chưa phù hợp với hệ thống luật pháp của các nước phát triển.
Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam, sau nhiều đề xuất, đến nay vẫn chưa được Quốc hội xem xét sửa đổi. Trong khi đó, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) dù đã được thông qua hồi tháng 6/2017, nhưng đến nay vẫn thiếu những văn bản hướng dẫn cụ thể về chuyển giao công nghệ.
Sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung đàm phán đầy "gian khổ” của TPP, có phạm vi rộng và mức độ cam kết sâu hơn so với cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do đó, tổ chức thực thi Chương Sở hữu trí tuệ của TPP (bao gồm 11 phần, 83 điều và 6 phụ lục) là không dễ dàng ngay cả với Canada, một nước có hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ phù hợp với TPP.
Quyền sở hữu trí tuệ trong TPP không chỉ có những quy định chung cùng những yêu cầu liên quan đến các lĩnh vực hợp tác, sáng chế, dữ liệu thử nghiệm, kiểu dáng, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hay quyền tác giả mà còn chú trọng vào yếu tố thực thi quyền này của các quốc gia.
Trong khi chờ thỏa thuận CPTPP được ký chính thức, theo ông Nguyễn Quân, doanh nghiệp phải làm ngay ba việc:
Thứ nhất, đăng ký sở hữu trí tuệ nếu có sáng chế, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp. Các địa phương và doanh nghiệp cần có thêm chỉ dẫn địa lý để được bảo hộ trong toàn khối CPTPP.
Thứ hai, đổi mới công nghệ. Với công nghệ lạc hậu như hiện nay, hàng hóa của Việt Nam không thể cạnh tranh được ngay cả khi thuế suất về 0%. Thay đổi tình trạng này, doanh nghiệp phải đầu tư nghiên cứu, ứng dụng và tận dụng tối đa các hỗ trợ của Nhà nước về khoa học - công nghệ.
Thứ ba, doanh nghiệp phải nâng trình độ nhân lực đồng thời phải có ngay chiến lược cạnh tranh mới.
CPTPP dựa trên các cam kết đã được thỏa thuận tại TPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc mở đường cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường trong khối, nhất là thị trường quan trọng Canada, quốc gia đề cao các quy định về sở hữu trí tuệ.
Theo ông Lê Quốc Anh - Đại học Kinh tế Quốc dân, Việt Nam cần rút kinh nghiệm từ những "tô hồng" về TPP để tiếp cận hiệp định mới một cách cầu thị, mạnh dạn vận dụng tối đa các bài học thực tế về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp đã được kiểm chứng tại các nước đi trước, nhất là các quyết sách có tính "liệu pháp sốc" của Chính phủ về phát triển kinh tế.