Cú bật ngược của chính sách “Tam nông“
Sau 2 năm ngành Ngân hàng thực hiện chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 cho thấy các NHTM ở 22 tỉnh thành đã giải ngân cho vay trên 6.900 tỷ đồng đối với các dự án chuỗi liên kết, vượt hơn 1,3 tỷ đồng so với con số cam kết trước đó.
Tư duy tín dụng "Tam nông" thay đổi mạnh mẽ
Trong giai đoạn 2011 – 2015, ngành Ngân hàng đã đưa ra những giải pháp đầu tư vốn tín dụng hiệu quả vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn (NNNT). Nhìn lại thời điểm 5-6 năm trước, hoạt động đầu tư tín dụng vào lĩnh vực NNNT tại Việt Nam hết sức khó khăn. Những năm từ 2007-2010 mặc dù tăng trưởng tín dụng trung bình của nền kinh tế ở mức 35-36%/năm, nhưng tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực NNNT chỉ xoay quanh mức 20-21%/năm.
Thời điểm đó, mặc dù Chính phủ triển khai nhiều chính sách ưu đãi tín dụng đối với lĩnh vực NNNT (như: ban hành các Quyết định 497, Quyết định 2213 về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc, vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn) nhưng kết quả thực hiện các chính sách này lại rất phân tán. Tỷ lệ dư nợ cho vay lĩnh vực NNNT tại các địa phương dù đã được các NHTM đẩy mạnh nhưng vẫn chỉ xoay quanh mức 13-15% tổng dư nợ. Trong khi đó, khoảng 70-80% các DN và hộ dân hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng chỉ tiếp cận được một phần nhỏ với lãi suất khá cao.
Trước thực tế trên, đầu năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT. Ngay sau đó, NHNN đã nhanh chóng cho ra đời Thông tư 14, hướng dẫn các TCTD trên phạm vi cả nước thực hiện các ưu đãi cho vay đối với nông hộ, hợp tác xã và DN hoạt động trong lĩnh vực NNNT.
Ngoài ra, nhằm khuyến khích các NHTM đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, tháng 9/2010, NHNN cũng ban hành Thông tư 20 cho phép các TCTD có tỷ trọng cho vay NNNT trên 40% được giảm tỷ lệ trích lập dự phòng để có thêm vốn cho vay theo Nghị định 41.
Sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống NH ngay lập tức cho thấy kết quả tích cực. Bắt đầu từ năm 2011, nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực NNNT tăng lên đột biến. Theo đó, giai đoạn 2011 – 2013, trong khi tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế chỉ đạt mức trung bình 11,13%/năm thì tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực NNNT luôn đạt mức bình quân 20%. Dư nợ tín dụng NNNT từ chỗ chỉ ở mức 231.300 tỷ đồng vào năm 2009 thì đã được đẩy lên mức gần 682.000 tỷ đồng vào cuối năm 2013. Đến giữa năm 2015, theo những thống kê của Agribank – ngân hàng có dư nợ cho vay NNNT lớn nhất toàn quốc – chỉ tính riêng TCTD này nguồn vốn cho vay vào lĩnh vực tam nông đã đạt con số trên 1 triệu tỷ đồng với 5,4 triệu lượt khách hàng vay vốn.
Chạm khung về tăng trưởng
Trong suốt giai đoạn 2010-2013, có thể nói nguồn vốn tín dụng đóng vai trò trụ đỡ trong việc hỗ trợ các DN và người nông dân vượt qua khó khăn trong sản xuất – kinh doanh. Tuy nhiên, một hai năm trở lại đây, các TCTD bắt đầu nhận thấy sự chạm khung về tăng trưởng và đặt ra vấn đề phải thay đổi cách thức đầu tư vốn mới có thể tiếp tục triển khai các hoạt động cho vay vào lĩnh vực NNNT.
Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank nhìn nhận: nút thắt lớn nhất trong cho vay NNNT giai đoạn hiện nay là quy mô sản xuất kinh doanh quá nhỏ lẻ và manh mún. Chủ yếu nông hộ và DN nhỏ nên vốn tự có và tài sản đảm bảo khoản vay vốn rất hạn chế. Các DN và hộ dân thường chỉ vay vốn được 1 lần, khi có nhu cầu vay bổ sung để tăng quy mô sản xuất kinh doanh thì không còn tài sản đảm bảo, vì vậy ngân hàng mặc dù rất muốn cho vay ra nhưng cũng không dám mạo hiểm mà chỉ có thể hỗ trợ khách hàng trong chừng mực mà các cơ chế ưu đãi tín dụng được Chính phủ và NHNN cho phép.
Các nhà hoạch định chính sách cũng đồng quan điểm, quy mô nhỏ lẻ của sản xuất nông nghiệp chính là lý do khiến cho đầu tư vào lĩnh vực này rơi vào vòng luẩn quẩn. Các TCTD có vốn nhưng e ngại không dám cho vay, trong khi người dân cần vốn lại không đủ điều kiện về tài sản đảm bảo. Ngoài ra, cũng chính vì quy mô nhỏ lẻ, tự phát dẫn đến việc quản lý của các địa phương, các bộ, ngành không được thực hiện một cách chặt chẽ và thống nhất. Khi đó các NHTM cũng không có đủ cơ sở để cung ứng vốn tín dụng, bởi mức rủi ro khi cho vay mà không nắm chắc được hiệu quả đầu tư vốn và khả năng thu nợ là rất lớn.
Để giải quyết nút thắt này, các nhà làm chính sách đã nhận thấy, cần phải bỏ tư duy lấy nhỏ lẻ làm trung tâm trong hoạt động đầu tư tín dụng. Bởi trong bối cảnh Chính phủ và ngành nông nghiệp chủ trương thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nông nghiệp hướng đến sản xuất hàng hóa thị trường thì việc đặt kinh tế hộ làm trung tâm sẽ triệt tiêu khả năng cạnh tranh. Thay vào đó thời điểm này, Chính phủ và các địa phương cần phải chủ động tạo ra các mô hình liên kết để sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, được tổ chức làm ăn bài bản và chuyên nghiệp. Từ đó mới tạo điều kiện để nguồn tín dụng NH tham gia vào như một nhân tố hỗ trợ tài chính hiệu quả và bền vững.
Nghị định 55 và thí điểm cho vay theo chuỗi
Để hiện thực hóa những quan điểm thay đổi về tư duy đầu tư vốn cho lĩnh vực NNNT, trong hai năm qua NHNN đã chỉ đạo hệ thống NH soạn dự thảo Nghị định 55, thay thế cho Nghị định 41 theo hướng mở rộng các diện vay vốn và tăng mức đầu tư vốn cho các nhóm khách hàng là đơn vị kinh tế tập thể cũng như các DN có liên kết sản xuất – tiêu thụ với nhiều hộ nông dân.
Theo đó, vào tháng 6/2015, khi Nghị định 55 được Chính phủ ban hành, các hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trong lĩnh vực NNNT đã có thể được vay mức vốn tối đa 1 tỷ đồng từ các NHTM mà không cần tài sản đảm bảo, những tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng có thể được vay đến 70% - 80% giá trị dự án sản xuất kinh doanh mà không cần phải thế chấp tài sản cho các TCTD.
Song song với việc sửa đổi Nghị định 41, trong thời gian qua, NHNN đã đặc biệt quan tâm đến một chương trình tín dụng thí điểm chủ động kiến nghị Chính phủ đưa vào Nghị quyết: chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ.
Việc hình thành chương trình cho vay thí điểm theo chuỗi mà ngành Ngân hàng “tiên phong làm mẫu” một số mô hình liên kết chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất nông nghiệp để trên cơ sở đó các địa phương, các bộ, ngành đánh giá. Rồi đưa vào các quy định của văn bản pháp lý nhằm triển khai nhân rộng trên phạm vi cả nước.
Thống kê đến nay, sau 2 năm ngành Ngân hàng thực hiện chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14 cho thấy các NHTM ở 22 tỉnh thành đã giải ngân cho vay trên 6.900 tỷ đồng đối với các dự án chuỗi liên kết, vượt hơn 1,3 tỷ đồng so với con số cam kết trước đó. Đây có thể xem như một bước đầu thành công của một chương trình tín dụng thí điểm. Và nó cũng chứng tỏ rằng chủ trương chuyển dần từ cách thức đầu tư tín dụng nhỏ lẻ sang đầu tư tín dụng theo chuỗi liên kết lấy DN lớn và các đơn vị kinh tế tập thể làm trung tâm mà NHNN đang triển khai thực hiện là một chủ trương đúng hướng và mang lại những hiệu quả tích cực.
Trong năm 2016, NHNN dự kiến sẽ đưa những quy định cụ thể về cho vay theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết 14 vào Nghị định 55. Theo đó, những mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông sản, những dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; những hộ nông dân, hợp tác xã có tham gia vào chuỗi liên kết với các DN… sẽ là những diện khách hàng được các NHTM dành nhiều ưu đãi nhất và có thể vay vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng mà không cần đặt nặng tài sản đảm bảo.
Tất cả những điều này cho thấy, tư duy đầu tư vốn vào lĩnh vực NNNT của hệ thống NH sau 5 năm từ lúc triển khai Nghị định 41 đến lúc hoàn thiện và bổ sung Nghị định 55 đã có sự thay đổi khá căn bản. Ngành NH không những đã chủ động tạo ra các giải pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng hiệu quả vào lĩnh vực tam nông mà còn giúp cho Chính phủ tạo ra những cơ chế hỗ trợ tái cơ cấu ngành kinh tế nông nghiệp Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với tiến trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thị trường của khu vực và trên thế giới.