Bảo hiểm nông nghiệp: “Điểm tựa” cho Hợp tác xã phát triển kinh tế

Thanh Hằng

Trước những khó khăn, thách thức trong sản xuất của Hợp tác xã nông nghiệp do các tác động từ yếu tố môi trường, việc phát triển bảo hiểm nông nghiệp như một “tấm khiên” phòng thủ vững chắc cho các Hợp tác xã, nhằm đảm bảo sự phát triển, tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ đối với khu vực kinh tế tập thể.

Giúp người dân yên tâm phát triển kinh tế

Chia sẻ tại Hội thảo Bàn giải pháp bảo hiểm cho Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp do Hợp tác xã tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây, bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, bảo hiểm nông nghiệp là một công cụ thiết thực, không chỉ giúp Hợp tác xã quản trị rủi ro mà còn nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp trong sản xuất.

“Trong sản xuất nông nghiệp, mua bảo hiểm nhằm mục đích phòng ngừa những rủi ro, bất ngờ có thể gặp phải. Vì vậy, nếu ai cũng mua bảo hiểm sẽ tạo nên một “tấm khiên” vững chắc giúp Hợp tác xã không bị đe dọa trước những cú sốc thiên tai, dịch bệnh, thị trường. Tuy nhiên, để làm được điều đó đòi hỏi các Hợp tác xã phải nâng cao tinh thần tự giác”, bà Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh.

Bảo hiểm nông nghiệp sẽ giúp Hợp tác xã yên tâm phát triển kinh tế
Bảo hiểm nông nghiệp sẽ giúp Hợp tác xã yên tâm phát triển kinh tế

Lấy dẫn chứng từ Nhật Bản - quốc gia có hệ thống Hợp tác xã phát triển mạnh mẽ nhất, bà Vân cho biết, tại Nhật Bản các Hợp tác xã luôn đặt quyền lợi và trách nhiệm song song nhau. Muốn được hỗ trợ về bảo hiểm, Hợp tác xã phải đáp ứng yêu cầu về sản lượng, quy trình sản xuất và tiêu chuẩn sản phẩm. Chỉ những Hợp tác xã tuân thủ nghiêm túc mới đủ điều kiện thụ hưởng.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, việc áp dụng các quy định chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ nhằm giữ cho thành viên Hợp tác xã đi đúng định hướng, tránh tình trạng sản xuất chạy theo phong trào. Sự thiếu ổn định và thiếu kỷ luật là một trong những nguyên nhân khiến chính sách bảo hiểm khó có thể triển khai hiệu quả.

Từ câu chuyện thực tế tại Nhật Bản, để bảo hiểm nông nghiệp có thể đi vào thực tiễn tại Việt Nam, bà Cao Xuân Thu Vân, đề xuất triển khai thí điểm ngay từ bây giờ. “Các địa phương có thể lựa chọn một vài Hợp tác xã điển hình, có đầy đủ các điều kiện rồi phối hợp với công ty bảo hiểm hoặc tổ chức quốc tế để thí điểm, từ đó có dữ liệu cụ thể làm căn cứ trình Chính phủ xây dựng khung chính sách chính thức”, bà Cao Xuân Thu Vân phân tích.

Về chi phí triển khai bảo hiểm, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết thêm, trong trường hợp xảy ra thiệt hại, Hợp tác xã sẽ được bảo vệ bởi chính sách bảo hiểm. Ngược lại, nếu không phát sinh rủi ro, doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần tính toán phương án chia sẻ lợi nhuận sao cho hợp lý. Một phần lợi nhuận đó có thể được sử dụng để phục vụ mục tiêu phát triển cộng đồng, hoặc hỗ trợ Hợp tác xã nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng chính sách bảo hiểm cho phần vốn, tài sản không chia của Hợp tác xã, đơn cử như quyền sử dụng đất do Nhà nước giao hoặc cho thuê; các khoản trợ cấp, hỗ trợ không hoàn lại; tài sản được tặng, cho theo thỏa thuận là tài sản không chia; hoặc các loại tài sản khác được quy định rõ trong điều lệ Hợp tác xã.

Nguồn tài chính bù đắp rủi ro

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có 1.087 Hợp tác xã, trong đó lĩnh vực nông nghiệp chiếm ưu thế với 768 Hợp tác xã (chiếm 70,6%). Tổng vốn điều lệ đăng ký của các Hợp tác xã đạt 4.398,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 710 Hợp tác xã đang hoạt động ổn định và kê khai thuế đầy đủ, huy động được hơn 3.500 tỷ đồng cho sản xuất kinh. Các Hợp tác xã này đang tạo việc làm cho gần 75.000 lao động, chiếm 10,9% lực lượng lao động toàn tỉnh.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Đức Ấn - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ năm 2021 đến nay, khu vực kinh tế hợp tác, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển rõ nét, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân tại hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Đề cập đến vấn đề bảo hiểm cho Hợp tác xã, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng nhấn mạnh bài học từ những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi 2024) gây ra. Đó là một minh chứng rõ nét cho những rủi ro mà của khu vực sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt. Tuy nhiên, phần lớn các Hợp tác xã bị ảnh hưởng gần như không nhận được sự hỗ trợ cần thiết do quá trình quản lý và hướng dẫn đầu tư sản xuất còn thiếu đồng bộ. Các khâu như cung ứng vật tư, giống, trang thiết bị, tổ chức sản xuất hay xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chưa được thực hiện chặt chẽ, thống nhất.

Trước thực trạng trên, ông Phạm Đức Ấn cho rằng, địa phương cần nghiêm túc nhận diện những khó khăn và rủi ro đặc thù trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời học hỏi kinh nghiệm triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, tỉnh cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp và triển khai thí điểm mô hình bảo hiểm nông nghiệp dành riêng cho các Hợp tác xã - lực lượng sản xuất nông nghiệp nòng cốt tại khu vực nông thôn Quảng Ninh hiện nay.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng, việc tham gia bảo hiểm không chỉ giúp người nông dân và thành viên Hợp tác xã yên tâm sản xuất nhờ có nguồn tài chính bù đắp rủi ro, mà còn tạo động lực thúc đẩy quá trình hiện đại hóa trong lĩnh vực nông nghiệp. Đó là nguồn khích lệ lớn đối với người làm nông, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp.

Riêng với lĩnh vực nuôi biển, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, cần đẩy nhanh tiến độ giao quyền sử dụng khu vực biển một cách ổn định, lâu dài, đồng thời luật hóa quyền sử dụng biển thành tài sản rõ ràng (như “sổ xanh” tương tự “sổ đỏ” đối với đất đai), từ đó tạo điều kiện pháp lý vững chắc cho người dân và Hợp tác xã mua bảo hiểm. “Việt Nam cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp phù hợp với từng nhóm đối tượng, khu vực, ngành hàng và đặc thù rủi ro – đặc biệt là các mô hình bảo hiểm chỉ số rủi ro, dễ triển khai, dễ quản lý và sát thực tế từng địa phương”, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng đề xuất.