“Củ cà rốt” của Trung Quốc
Tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất vừa diễn ra ở Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc, Bắc Kinh đã cam kết hỗ trợ nhiều tỷ USD cho các nước khu vực sông Mekong, động thái nhằm “xoa dịu” những nước ở hạ nguồn, vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đập thủy điện Trung Quốc xây dựng tại thượng nguồn.
Động thái xoa dịu
Hội nghị Cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất có sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Với chủ đề Chung dòng chảy, chung tương lai, hội nghị đã khẳng định cam kết của 6 nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mekong, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mekong - Lan Thương.
Như một động thái xoa dịu trước khi hội nghị diễn ra, Chính phủ Trung Quốc đã đáp ứng yêu cầu của Việt Nam về việc xả nước từ đập Cảnh Hồng, tỉnh Vân Nam từ ngày 15.3 - 10.4. Không những thế, Trung Quốc cho biết sẽ xả lượng nước gấp đôi so với trung bình các năm trước.
Việc Trung Quốc xả nước với mác thiện chí giúp các nước hạn chế tác hại của hạn hán không chỉ xảy ra lần đầu tiên vào năm nay mà đã từng được thực hiện năm 2010. Điều này cho thấy các nước phụ thuộc rất lớn của các nước hạ nguồn sông vào việc Trung Quốc vận hành các đập thủy điện.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, vấn đề hạn hán và chia sẻ nguồn nước sông Mekong lại không phải là một trong những ưu tiên của Trung Quốc tại hội nghị lần này. Chuyên gia Brian Eyler, Phó giám đốc chương trình nghiên cứu Đông Nam Á cho biết: “Đúng là các nước ở hạ nguồn sông Mekong, đặc biệt là Việt Nam rất thẳng thắn về vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn, do các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn gây ra, vốn là những vấn đề trọng tâm cần phải thảo luận. Nhưng những vấn đề này đã bị Trung Quốc né tránh. Trung Quốc luôn tìm cách hướng các nước vào vấn đề hợp tác kinh tế”.
“Củ cà rốt” 10 tỷ USD
Trong khuôn khổ hội nghị, Trung Quốc đã cam kết khoản vay ưu đãi 10 tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,5 tỷ USD) và khoản vay tín dụng 10 tỷ USD cho 5 nước dòng sông Mekong chảy qua. Cụ thể, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết, một nửa trong khoản vay tín dụng 10 tỷ USD được sử dụng cho hợp tác sản xuất công nghiệp giữa Trung Quốc và các nước khác. Trung Quốc cũng hứa hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho các quốc gia với khoản viện trợ 200 triệu USD và chuẩn bị quỹ 300 triệu USD cho các dự án hợp tác nhỏ và vừa trong 5 năm tới.
Trong tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương, Trung Quốc cũng cho biết họ đang triển khai nhiều dự án khác nhau, từ đường sắt xuyên quốc gia tới các khu công nghiệp để thúc đẩy hợp tác trong khu vực.
Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong - Lan Thương diễn ra trong bối cảnh các nước hạ nguồn sông Mekong đang phải đương đầu với tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng, nên phân phối nước trở thành vấn đề cấp thiết. Theo kết quả hội nghị, một trung tâm kiểm soát tài nguyên nước đã được thành lập nhằm đối phó với hạn hán và lũ lụt trên dòng Mekong.
Gỡ gạc uy tín
Các đập thủy điện mà Bắc Kinh xây dựng trên thượng nguồn dòng Mekong bị coi là nguyên nhân gây ra tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở các nước hạ nguồn. Nhiều dự án phát triển trước đây của Trung Quốc bị cáo buộc làm tổn hại tới môi trường, gây ảnh hưởng tới tương lai khu vực.
Trong khi đó, các nước sông Mekong là khu vực quan trọng trong chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc. Tăng trưởng của Bắc Kinh được hỗ trợ thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng và xuất khẩu năng suất công nghiệp dư thừa sang các nước khu vực này. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng thừa nhận trong tình hình kinh tế khó khăn, hợp tác tốt hơn với các nước láng giềng Đông Nam Á sẽ giúp giảm áp lực cho nền kinh tế Trung Quốc.
Chính vì vậy, “bằng cách tỏ ra giúp các nước hạ lưu sông Mekong có cơ hội phát triển tốt hơn, Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi hình ảnh của mình”, ông Xu Liping, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định. Tuy nhiên, theo ông Xu, Trung Quốc cần đưa ra những dự án minh bạch và phù hợp với tiêu chuẩn môi trường để lấy lại lòng tin của người dân các nước ở hạ lưu. Với cách mà Trung Quốc hành xử với các nước láng giềng thời gian qua, đặc biệt là những động thái ở Biển Đông, sẽ không có nhiều nước tin vào “củ cà rốt” của Trung Quốc.