“Cửa sáng” cho đại lý thuế
(Tài chính) Bộ Tài chính vừa chính thức thông qua Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2020.
Sau gần 10 năm ra đời tại Việt Nam, dịch vụ đại lý thuế tiếp tục có cơ hội hoàn thành sứ mệnh là cầu nối giữa người nộp thuế và cơ quan Thuế, đồng thời chia sẻ gánh nặng với cơ quan Thuế trong quản lý thuế và thu ngân sách Nhà nước.
Tại Hội nghị thường niên Hiệp hội Tư vấn thuế châu Á - châu Đại Dương (AOTCA) tổ chức tại Hà Nội vào cuối năm 2013, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh thừa nhận thực tế tại Việt Nam có trên 500.000 doanh nghiệp và 1,2 triệu hộ kinh doanh cá thể, hàng triệu người nộp thuế Thu nhập cá nhân nhưng mới chỉ có 130 công ty đã được cấp phép hành nghề đại lý thuế. Đây là một con số quá nhỏ so với yêu cầu của người nộp thuế tại Việt Nam và là con số rất khiêm tốn khi so sánh với số liệu đại lý thuế tại các quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á và châu Đại Dương.
Lợi ích của dịch vụ đại lý thuế là rất rõ ràng. doanh nghiệp sẽ cắt giảm được nhiều chi phí lẫn nhân lực cho việc tự tìm hiểu, cập nhật kiến thức về thủ tục thuế. cơ quan Thuế cũng giảm được gánh nặng trong công tác tuyên truyền và hướng dẫn người nộp thuế. Nhưng để mở rộng dịch vụ này trên thực tế còn nhiều vướng mắc.
Theo Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc, để nghề đại lý thuế ở Việt Nam đi vào đời sống xã hội, tạo lập thói quen cho người nộp thuế sử dụng đại lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong thực thi pháp luật, tiết kiệm chi phí… cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý, mở rộng dịch vụ tư vấn thuế cho hoạt động đại lý thuế; đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động, lợi ích của đại lý thuế đến người nộp thuế…
Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu có ít nhất 6.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế; tối thiểu 90% số doanh nghiệp hài lòng với chất lượng dịch vụ do đại lý thuế cung cấp.
"Ở hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ có hoạt động đại lý thuế thì đều có luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động này. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ được quy định tại một điều (Điều 20) của Luật Quản lý thuế và thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, với phạm vi hoạt động chỉ bó hẹp trong làm thủ tục về thuế" - bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.
Lối mở
Theo Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2020 vừa được thông qua, Bộ Tài chính đã đặt mục tiêu phát triển hệ thống đại lý thuế theo hướng đẩy mạnh việc xã hội hóa hoạt động hỗ trợ người nộp thuế tạo tiền đề nhằm tăng dần số lượng đại lý thuế và nâng cao chất lượng dịch vụ do đại lý thuế cung cấp; mở rộng, đa dạng hoá dịch vụ của đại lý thuế.
Đồng thời, xây dựng hệ thống đại lý thuế thực sự trở thành cầu nối giữa cơ quan Thuế và người nộp thuế; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế; giảm chi phí về thời gian, nguồn lực cho cả cơ quan Thuế và người nộp thuế thực thi pháp luật thuế góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý điều chỉnh hoạt động của đại lý thuế. Theo đó, sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung và nâng hình thức văn bản quy phạm pháp luật từ Thông tư lên Nghị định của Chính phủ, tiến tới ban hành Luật Đại lý thuế.
Trong đó, sẽ nghiên cứu sửa đổi về đối tượng, điều kiện dự thi cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế nhằm đảm bảo chất lượng của đội ngũ hành nghề dịch vụ đại lý thuế. Bổ sung phạm vi hoạt động của đại lý thuế thông qua chính sách mở rộng các dịch vụ do đại lý thuế thực hiện như: Tư vấn thuế dịch vụ rà soát sổ sách, kế toán, báo cáo tài chính... Đại lý thuế còn đại diện cho người nộp thuế trực tiếp giải trình với cơ quan Thuế và các cơ quan Nhà nước khác về các vấn đề về thuế theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu; đại diện cho người nộp thuế trực tiếp tham gia trong quá trình tranh tụng trước toà về các vấn đề liên quan đến thuế hoặc hỗ trợ cho luật sư của người nộp thuế để trực tiếp giải trình thay cho người nộp thuế trước tòa các nội dung liên quan đến thuế.
Bộ Tài chính cũng sẽ có cơ chế khuyến khích người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế thông qua ưu đãi về mặt thủ tục cho người nộp thuế sử dụng dịch vụ đại lý thuế và cơ chế để đại lý thuế tham gia giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh và sử dụng hoá đơn đối với người nộp thuế mới thành lập.